Bác Hồ trong lòng dân Nam Tây Nguyên

11:05, 23/05/2012

Ở Nam Tây Nguyên, đồng bào trong các buôn làng vẫn truyền tụng mãi tấm gương hy sinh anh dũng của người anh hùng dân tộc Cơ Ho tên là Mang Yệu chiến đấu chống Pháp tại căn cứ K’Dòn kiên trung...

Ở Nam Tây Nguyên, đồng bào trong các buôn làng vẫn truyền tụng mãi tấm gương hy sinh anh dũng của người anh hùng dân tộc Cơ Ho tên là Mang Yệu chiến đấu chống Pháp tại căn cứ K’Dòn kiên trung. Năm 1948, giặc Pháp bắt được ông và tra tấn dã man. Tên G.Marchand - Đồn trưởng đồn La Dày hỏi: “Việt Minh ở đâu?”. Mang Yệu điềm nhiên chỉ vào bụng mình: “Việt Minh trong cái bụng tao! Hồ Chí Minh trong trái tim tao!”…

Lễ ký giao ước thực hiện “Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên” của các Già làng Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Lễ ký giao ước thực hiện “Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên” của các Già làng Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu


Đó là câu chuyện mà các già làng ở Lâm Đồng luôn nhắc nhở với con cháu trong những dịp sum họp gia đình. Từ câu nói tâm can của Mang Yệu, tên đồn trưởng tức giận và găm lưỡi dao vào bụng ông và thét lên: “Để tao xem Việt Minh mày giấu ở đâu, Hồ Chí Minh của mày ở đâu?”. Dòng máu tuôn trào, trước khi gục xuống anh quắc mắt nhìn thẳng vào kẻ thù và gầm lên: “Tao chết nhưng Bác Hồ tao còn, đồng chí của tao còn để trả thù cho tao!”.

Bác Hồ vẫn sống mãi với nhân dân Việt Nam, với đồng bào Tây Nguyên như lời bài hát: "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên" (thơ Kpă Y lăng) của nhạc sĩ Lê Lôi: “E... Con chim nhông, con chim kơ tia, con công tung cánh / Này chim có hay rằng ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên”. Còn ở tỉnh cực nam Tây Nguyên, có một ca khúc mà dù đến tận các buôn làng hẻo lánh nhất của vùng đất này cũng nghe đâu đó vang lên những giai điệu thiết tha mang âm hưởng dân ca Tăm Pớt, Yalyau của người Mạ, Cơ Ho, thể hiện sự biết ơn sâu sắc của người Tây Nguyên với Bác. Đó là bài hát “Nam Tây Nguyên nhớ Bác” của nhạc sỹ Hà Huy Hiền, ông tâm sự: “Trong những chuyến đi thực tế đến với đồng bào chứng kiến những câu chuyện, những tình cảm xúc động của người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru… với Bác kính yêu. Họ nói lòng biết ơn Người bằng ngôn ngữ giản dị, chân thành như bản tính chân chất, hồn nhiên của người sống ở rừng. Giai điệu và ca từ bài hát đã hình thành từ những chuyến đi ấy, tôi cũng không ngờ, ca khúc của tôi lại có sức lan tỏa và phổ biến đến vậy…”. Người Nam Tây Nguyên là vậy, họ kính yêu Bác bằng sự mộc mạc, chân thành. Trong những năm đất nước còn trong máu lửa chiến tranh, dưới sự vẽ lối chỉ đường của Đảng và Bác Hồ, họ đã sát cánh bên những đồng bào, đồng chí các dân tộc anh em hy sinh xương máu đánh đuổi kẻ thù.

Trong những chuyến công tác về với đồng bào vùng sâu Lâm Đồng, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện của họ về tình cảm thiêng liêng với Bác kính yêu. Đó là ký ức của những người may mắn từng được gặp Bác Hồ, đó là cảm xúc của những người kính yêu Bác qua những câu chuyện kể… Ở xã Lộc Lâm anh hùng thuộc huyện Bảo Lâm, một căn cứ địa đi qua cả hai cuộc kháng chiến. Trong một chuyến “về nguồn”, chúng tôi đã được gặp cựu du kích người Châu Mạ K’Brốp. “Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Đảng, cũng thờ Bác Hồ…”. Cụ nói rồi tới bên chiếc tủ gỗ nhỏ lục tìm và lôi ra từ chiếc ống nứa một bức hình úa màu và xúc động sờ lên bức ảnh Bác Hồ in trên giấy báo cũ đã bạc màu thời gian. K’Brốp kể, bức ảnh vô giá này cụ được một anh bộ đội người miền Bắc cắt ra từ một tờ báo mà anh có được trên đường hành quân và tặng cụ từ năm 1965, trong một lần bộ đội chủ lực về phối hợp với du kích Lộc Lâm đánh giặc. Suốt bao nhiêu năm qua cụ luôn luôn giữ gìn, nâng niu ảnh Bác như báu vật.

Năm năm, tháng tháng qua, người Châu Mạ ở Lộc Lâm đã khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, với sự nghiệp xây dựng đất nước. Từ năm 1961 đến nay, tất cả các gia đình của xã anh hùng này luôn treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng trong ngôi nhà của mình như một sự mang ơn, một lời nhắc nhở. Họ cũng lưu giữ bức thư của Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại Plâycu và coi đó là “tấm bảng chỉ đường” trong suy nghĩ và hành động của mình…

Còn cựu du kích người Châu Mạ, cụ Điểu Đoi ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) thì hào hứng khi gợi nhớ kỷ niệm thời kháng chiến ở vùng này: “Kỷ vật thì nhiều nhưng với tôi, quý nhất là tấm ảnh Bác Hồ mà tôi có được từ ngày kết nạp Đảng năm 1963”. Vừa nói, cụ vừa cẩn thận mở tủ, lấy ra cuốn “Truyền thống cách mạng và xây dựng xã Đồng Nai Thượng”. Bàn tay cụ run run lật trang đầu tiên. Một tấm ảnh Hồ Chí Minh được bọc cẩn thận trong hai lần ni lông. Cụ cho biết, tấm ảnh này là kỷ vật do một cán bộ Khu ủy Khu 6 tặng cụ ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đó đến nay, dù cụ được Bí thư Huyện ủy Cát Tiên lên thăm tặng ảnh chân dung của Bác lớn hơn và được đóng khung trang trọng treo ở gian chính của ngôi nhà dài cụ đang ở, nhưng tấm ảnh quý giá gắn liền với kỷ niệm gần 50 năm trước vẫn được cụ trân trọng lưu giữ.

Già làng K’Brít - người Cơ Ho ở huyện Di Linh luôn khắc ghi “Quyết tâm thư của đại biểu Già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên”, già nói: Các già làng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một lòng một dạ theo Đảng và Bác Hồ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; và nhận thức được rằng, chỉ có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên mới được độc lập, tự do, mới có cơm để ăn, cái áo để mặc, ai cũng được đi học, khám chữa bệnh, sống hạnh phúc…

Chia tay với đồng bào các buôn làng, với những câu chuyện thiêng liêng về Bác, chúng tôi tìm gặp nguyên Chính trị viên Đại đội 2 - Tiểu đoàn 186 thuộc Trung đoàn 812 Phạm Quang Ý - người may mắn được gặp Bác Phạm Văn Đồng trong Hội nghị văn hóa các dân tộc ít người toàn quốc - lần đầu tiên sau đất nước thống nhất năm 1977. Dù chưa một lần may mắn được gặp Bác Hồ, song trong ký ức ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh của Bác trên những bước đường hành quân, nhất là ròng rã hơn 4 tháng trời được đi trên con đường mang tên Bác - đường mòn Hồ Chí Minh từ Hà Tĩnh hành quân vào Nam đánh giặc. Ông nói: Ai đã từng được đi trên “Đường dây 559” (tên gọi bí mật của đường mòn Hồ Chí Minh thời kháng chiến) mới phần nào “thấu” được tầm nhìn chiến lược của cách mạng ta, của Bác Hồ. Trên con đường đó, trong mỗi ký ức của bộ đội ta không “rời khỏi” hình ảnh thiêng liêng của Bác. Thời đó binh sĩ, hạ sĩ quan không được lưu giữ hình Bác Hồ, chỉ cán bộ chỉ huy đại đội trở lên, chính trị viên mới được cấp một hình chân dung của Bác do Trung Quốc dệt bằng lụa (đen trắng). Ông xúc động chỉ tay lên hình chân dung của Người cha già dân tộc đang được treo trang trọng giữa gian nhà chính mà ông được cấp khi trở thành chính trị viên đại đội. “Cầm tấm ảnh Bác Hồ, tôi thấy như được đón nhận một phần thưởng vô cùng lớn lao, là một lời nhắc nhở tôi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình” - Ông nói.

Ông Phạm Quang Ý với tấm ảnh Bác Hồ dệt bằng lụa mà ông được cấp khi trở thành chính trị viên đại đội
Ông Phạm Quang Ý với tấm ảnh Bác Hồ dệt bằng lụa mà ông được cấp khi trở thành chính trị viên đại đội


Bà Nguyễn Thị Phú thì ngân ngấn nước mắt khi hồi ức về lễ tưởng niệm Bác Hồ giữa nhà lao Đà Lạt trong những ngày bị địch giam cầm. Bà kể: Vào một buổi sáng, tên giám thị đi ngang qua phòng giam, nó đứng lại và nói vọng vào: “Bác Hồ tụi bay chết rồi đó, tụi bay để tang đi”. Đúng như lời tên giám thị, ngày hôm sau cơ sở từ bên ngoài đã bí mật gửi vào cho chúng tôi một tờ báo có đưa tin Bác đã từ trần. Chúng tôi, ai cũng khóc, nhưng không dám khóc lớn. Không khí phòng giam trở nên trầm lặng khác thường. Trong vòng kiểm soát gắt gao của nhà tù, chúng tôi đã tổ chức lễ tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu. Không lập được bàn thờ, không có một nén nhang, chỉ có ngọn đèn dầu thắp sáng trong góc phòng giam, chị em chúng tôi ngồi vây quanh, hai tay chắp trước ngực, nước mắt chảy dài. Chúng tôi đã cùng động viên nhau vượt qua nỗi đau này, biến đau thương thành hành động cách mạng. Sau ngày Bác mất, chúng tôi không bị lụy mà khí thế đấu tranh trong nhà lao Đà Lạt ngày một cao thêm với tâm niệm: góp một phần nhỏ xương máu của mình vào sự nghiệp cách mạng, đưa quê hương đất nước sớm đến ngay hòa bình, thống nhất để thỏa lòng mong muốn của Người…            

Còn nhiều lắm những câu chuyện bình dị, những ký ức của lòng dân Nam Tây Nguyên với Bác Hồ kính yêu. Dù trong thời binh lửa can qua hay khi hòa bình lập lại, họ vẫn vững niềm tin khi có Đảng và Bác Hồ kính yêu vạch lối, chỉ đường. Họ luôn khắc ghi lời Người đã dặn dò: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”.

Nam Bằng