Bài học “Lấy dân làm gốc”

03:05, 01/05/2012

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là phương thức quan trọng trong vận động cách mạng của Đảng, là sự kế thừa và phát huy truyền thống “Lấy dân làm gốc" của dân tộc.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là phương thức quan trọng trong vận động cách mạng của Đảng, là sự kế thừa và phát huy truyền thống “Lấy dân làm gốc" của dân tộc.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 1.5.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47/SL về tổ chức Bộ Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, trong đó có Cục Chính trị. Từ đây Phòng Địch vận (tiền thân của Cục Dân vận ngày nay) thuộc Tổng cục Chính trị QĐNDVN chính thức ra đời tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đó là cơ sở để khẳng định rõ ràng hơn về đường lối, phương thức trong vận động tuyên truyền, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chiến thắng mọi kẻ thù. Thực tiễn đã chứng minh tính thiết thực, hiệu quả, vận dụng linh hoạt công tác dân vận của quân đội trong từng giai đoạn khác nhau, cụ thể trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, công tác dân vận được xác định “là gốc của mọi công tác khác”, “tiến hành công tác dân vận thực chất là xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân”, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, phát triển cơ sở chính trị ở các vùng chiến lược, trong đó có Lào, Campuchia, khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn của dân tộc, tinh thần “tất cả vì tiền tuyến”, kết hợp với các phong trào thi đua cổ vũ lao động sản xuất, làm công tác bình dân học vụ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Đỉnh cao rực rỡ của thời kỳ này là Cách mạng tháng Tám thành công và Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, công tác dân vận được xác định với hai nội dung chủ yếu: Ở miền Bắc, vận động nhân dân vừa thực hiện “chắc tay súng, vững tay cày” bảo vệ vững chắc hậu phương. Đồng thời hăng hái thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ở miền Nam, vận động nhân dân đấu tranh với nhiều hình thức như: Lên án hành động phá hoại hoa màu của địch, đoàn kết xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tổ chức diệt ác, trừ gian, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng… góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối... Thực tiễn tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, sự sáng tạo trong công tác dân vận của quân đội qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là đã tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; củng cố niềm tin vào chế độ mới; giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa quân đội và các cơ quan, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng các địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần cảnh giác, đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Và trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận của quân đội vẫn có một vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược của Đảng và Nhà nước. Bằng chứng là trong những năm qua, với phương châm "hướng mạnh về cơ sở", LLVT các cấp đã thường xuyên khảo sát tình hình thực tế tại cơ sở, nâng cao hình thức tuyên truyền, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong quân đội phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhất là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, hải đảo. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kịp thời có mặt tại các điểm nóng trong phòng chống thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn...

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã khẳng định ở bất kỳ thời kỳ nào nếu tranh thủ được sự đồng thuận từ dân, dân ấm no thì nước mới bền vững. Và bài học "Lấy dân làm gốc" tiếp tục được minh chứng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, là cơ sở, niềm tin để giành mọi thắng lợi.

Phát huy thành quả đạt được, công tác dân vận của quân đội hôm nay sẽ không ngừng đổi mới phương thức, vận dụng linh hoạt các điều kiện hiện có, gắn với các chủ trương, phong trào lớn của Đảng, Nhà nước, địa phương. Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Đại tá Nguyễn Nhật Nga