Kinh nghiệm thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

03:05, 16/05/2012

Thực hiện nghiêm, hiệu quả quy chế dân chủ là yếu tố hết sức quan trọng để nhân dân ngày càng tin tưởng và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Qua 3 năm triển khai xây dựng xã điểm nông thôn mới (NTM), đến nay Tân Hội cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng NTM. Thực hiện quy chế dân chủ là một trong 7 bài học kinh nghiệm trong xây dựng thành công NTM. Từ thực tiễn triển khai xây dựng xã NTM Tân Hội cho thấy: Thực hiện nghiêm, hiệu quả quy chế dân chủ là yếu tố hết sức quan trọng để nhân dân ngày càng tin tưởng và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xây dựng nông thôn mới không phải là chính sách bao cấp hoàn toàn mà nhằm thông qua sự đầu tư, hỗ trợ một phần của Nhà nước và xã hội, tạo tiền đề, động lực tích cực để phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của người dân, vì vậy việc tạo cơ chế, chính sách và tuyên truyền vận động người dân vào cuộc là hết sức quan trọng. Để phát động chương trình xây dựng NTM, Ban quản lý dự án xây dựng NTM xã Tân Hội cùng chi bộ đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thôn, họp quán triệt phong trào xây dựng NTM với phương châm dựa vào nội lực cộng đồng là chính, với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước. Ban đầu, số lượng nhân dân tham gia họp còn hạn chế, có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thật sự tin tưởng vào chủ trương xây dựng NTM. Sau nhiều lần tổ chức các cuộc họp ở từng cụm dân cư, các đồng chí lãnh đạo, BQL dự án xây dựng NTM, các ban ngành, đoàn thể từ xã đến thôn đã kiên trì vận động, giải thích, cung cấp thông tin, công khai, minh bạch đến cán bộ, đảng viên và từng hộ dân. Truyền đạt cho người dân hiểu rõ sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với địa phương, việc đóng góp vốn đối ứng của bà con thì bà con sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp. Ban chỉ đạo NTM xã có chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình mà nơi nào cụm dân cư đồng tình hưởng ứng cao, tích cực tham gia. Nhân dân tự bầu ra tổ vận động, tổ giám sát và lựa chọn để thi công, lập văn bản có chữ ký của từng hộ dân công nhận số mét đường, mức đóng góp vốn đối ứng, tự tháo dỡ di dời hàng rào để mở rộng nền đường… Do được thông tin đầy đủ, được tham gia bàn bạc công khai, dân chủ, người dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia đóng góp xây dựng, phát triển hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Từ nguồn đóng góp của nhân dân, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa được đầu tư cải tạo, xây dựng mới khang trang, sạch đẹp; cải tạo đồng ruộng, phát triển các loại giống, cây con mới, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực bàn bạc tìm hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mới hiệu quả như hợp tác sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ.

Với việc huy động và lồng ghép các nguồn lực đã góp phần cho xã Tân Hội đầu tư xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, trong 3 năm đã xây dựng được 35/37 km tuyến đường giao thông của xã; về thủy lợi cũng đã nạo vét 3 hồ thủy lợi bằng nguồn vốn nông thôn mới, xây mới 1 hồ thủy lợi bằng vốn kiên cố hóa kênh mương; về giáo dục, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu và Trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho giáo dục, xã Tân Hội đã được đầu tư xây dựng mới 2 trường học. Hoàn thành xây dựng mới và đầu tư trang thiết bị cho trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu về y tế.

Xã Tân Hội cũng đã xây dựng mới 3 hội trường thôn, sửa chữa 5 hội trường thôn, bảo đảm 100% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng 1 nhà văn hóa thể thao và sân bóng đá của xã. Điều có ý nghĩa quan trọng tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Hội đó là việc áp dụng cơ chế thực hiện quản lý đầu tư và xây dựng công trình của địa phương đã phát huy tối đa vai trò dân chủ của nhân dân. Người dân được bàn bạc, tự quyết định, tự mua vật tư, vật liệu, thuê sắm trang thiết bị phục vụ cho việc thi công, trực tiếp thi công công trình, vì vậy rất chủ động trong việc triển khai thực hiện, đồng thời chất lượng công trình được đảm bảo, vật tư không thất thoát, giá thành giảm.

Kinh nghiệm xây dựng NTM Tân Hội cho thấy phải thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Đây thực chất là việc vận dụng quy chế dân chủ ở nông thôn một cách cụ thể, sâu sát hơn để từ đó huy động đông đảo nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu địa phương phải thật sự tôn trọng, sâu sát với bà con, biết dựa vào dân, công khai, minh bạch với dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc của dân, biết lựa chọn những vấn đề bức xúc, liên quan đến quyền lợi người dân để chỉ đạo thực hiện, làm cho người dân hiểu rõ, thấy rõ lợi ích thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó làm cho bà con chuyển biến nhận thức và hăng hái nhập cuộc vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Được biết, thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới và triển khai trên toàn bộ 118 xã của tỉnh với mục tiêu đến 2015 có 41 xã (gồm Tân Hội, 11 xã điểm của tỉnh và 29 xã ưu tiên) đạt tiêu chí nông thôn mới và đến 2020 có 99 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Hy vọng từ cách làm và những bài học kinh nghiệm thiết thực của xã NTM Tân Hội, sẽ có thêm nhiều mô hình nông thôn mới hiệu quả hơn, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

HỒ LAN