Càng giản dị, Hồ Chí Minh càng vĩ đại

03:05, 15/05/2012

Hồ Chí Minh là hiện thân của sự hội tụ giá trị văn hóa hàng nghìn năm về lối sống và cách sống của con người Việt Nam và Người đã làm cho các giá trị đó thăng hoa trong thời đại của mình.

Hồ Chí Minh là hiện thân của sự hội tụ giá trị văn hóa hàng nghìn năm về lối sống và cách sống của con người Việt Nam và Người đã làm cho các giá trị đó thăng hoa trong thời đại của mình. Sự giản dị đã trở thành đặc tính trong con người Hồ Chí Minh và vì vậy trong sinh hoạt hàng ngày từ ăn, mặc, ở, đi lại đến vui chơi, giải trí… đều không có cách biệt nhiều với nhân dân lao động.

Tháng 5 về thăm quê Bác.   Ảnh: N.M
Tháng 5 về thăm quê Bác. Ảnh: N.M


Thật hiếm có lãnh tụ nào lại có đời sống thường nhật giản dị đến như thế. Ăn uống không cầu kỳ, không đòi hỏi cao lương mỹ vị và đặc biệt chưa bao giờ Người dùng đến thực đơn. Trong kháng chiến đi đâu cũng cơm nắm với muối vừng. Những ngày đầu cách mạng thành công Người vẫn ăn cơm độn ngô như bao người khác. Hòa bình lập lại cũng chỉ những bữa ăn đạm bạc, dân dã: Vẫn những món ăn dân quê như mắm, cà dầm tương, rau muống luộc và cá kho với lá gừng hoặc kho kiểu xứ Nghệ (cá làm sạch, để ráo nước cho vào nồi, cứ một lớp cá một lớp muối, kho đến khi cá cứng lại và một lớp muối trắng bao quanh là được). Có nhà báo nước ngoài từng hỏi: Trên cương vị Chủ tịch nước Ngài thấy thế nào?, Người vui vẻ trả lời: Hồ Chí Minh vẫn là Nguyễn Ái Quốc!; khi tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, Bác nói: Tuy là Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn của anh Nguyễn thợ ảnh, sống ở ngõ Công Poanh năm xưa! Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng mà cuộc sống sinh hoạt của Người vẫn mộc mạc như công nhân trong nhà máy, nông dân trên đồng ruộng, như những người lính ra trận. Quần áo, chăn màn, gối, giày vải… nếu sờn, rách, Người nhờ các nhân viên trong Phủ Chủ tịch khâu vá lại để dùng.

 Cuối năm 1946, đi thăm nước Pháp trở về, nhiều người ra đón thấy trên tấm áo Bác mặc có miếng vá. Sau này, Người chân tình nói với một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta rằng: Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mà mặc áo vá vai như thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi. Năm 1957, thăm Cộng hòa Ấn Độ, Người đi dép cao su - hôm sau, trên các tờ báo lớn ở Niu đê li đều hết lời ca ngợi: "Đôi dép huyền thoại của một con người huyền thoại"! Sau ngày hòa bình lập lại cho đến trước khi đi xa, Người vẫn dùng duy nhất chiếc xe ô tô Pôbêđa, chiếc đồng hồ quả quýt - vật kỷ niệm của đồng chí lãnh tụ một Đảng cộng sản trao tặng.

Từ Việt Bắc về Hà Nội đích thân Người chọn căn buồng của người thợ chữa điện rộng chừng 12m2 làm nơi ở và làm việc. Sau này Bác cũng chỉ sử dụng ngôi nhà sàn 48m2 vừa làm nơi họp Bộ Chính trị, tiếp khách và là nơi làm việc, nghỉ ngơi. Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của Người: muốn trang bị phương tiện sinh hoạt và làm việc đầy đủ và tốt hơn, muốn phục vụ Bác những bữa ăn hàng ngày ngon hơn, đủ chất bổ hơn... nhưng tất cả đều bị từ chối. Người không coi thường vật chất và cũng không tôn sùng vật chất, triết lý sống của Hồ Chí Minh là: "Con người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp là không có đạo đức" (1).

Hồ Chí Minh không sống theo chủ nghĩa khắc khổ, ẩn dật. Với Người đời sống vật chất càng giản dị bao nhiêu, thì đời sống tinh thần lại phong phú, cao đẹp bấy nhiêu. Người không cần trang sức và mọi sự xa hoa, phù phiếm, xa xỉ, phô trương hình thức đều không có chỗ nương thân. Người có những ham muốn rất đỗi con người, nhưng ham muốn đó không phải cho mình mà cho dân, cho nước, cho toàn nhân loại. Hồ Chí Minh sống giản dị, nhưng sự giản dị đó lại đối lập hoàn toàn với sự giản đơn tùy tiện. Tiếp khách hay đi thăm các nơi, bộ quần áo kaki Bác mặc tuy đã bạc sờn nhưng sạch sẽ và phẳng phiu; nơi ở và nơi làm việc của Người luôn gọn gàng, ngăn nắp; trong phòng làm việc, Người đồng ý cho nhân viên phục vụ cắm hoa tươi mỗi ngày; xung quanh Phủ Chủ tịch Người yêu cầu trồng hoa hồng, tiếp khách nước ngoài phải ăn mặc chỉnh tề và trải thảm đỏ; khi có điều kiện công sở phải được xây dựng thật đẹp. Năm 1961, về thăm quê lần thứ hai trong những ngày giáp tết, đồng chí Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh ủy đưa Bác ra thăm chợ Vinh. Thấy dân xứ Nghệ toàn mua bán hoa giấy, Bác hỏi: "Ở Nghệ An không trồng được hoa hả chú Đồng?". Đồng chí Võ Thúc Đồng im lặng rồi lảng tránh sang chuyện khác. Biết vậy Bác khuyên: Chú nên tổ chức cho nhân dân trồng hoa, nếu không trồng được, tết năm sau đưa xe ra Hà Nội mua hoa về cho nhân dân vui chơi ba ngày tết!

Đằng sau cuộc sống giản dị của Hồ Chí Minh là vầng hào quang tỏa sáng văn hóa lối sống ở tầm cao văn minh. Để rồi cả dân tộc Việt Nam, từ cụ già đến em bé, từ thế hệ này qua thế hệ khác đều gọi Người với hai tiếng trìu mến: Bác Hồ; để nhân loại ngưỡng mộ, khâm phục, tôn vinh Người là "Nhà hiền triết", "Ông thánh cộng sản" và duy nhất trên thế giới, Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO phong tặng hai danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

Hiện tại và mãi mãi sau này, cuộc sống giản dị, thanh bạch của Hồ Chí Minh vẫn là tấm gương, điểm tựa, đích đến và là ngọn cờ vẫy gọi thúc giục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp con cháu muôn đời của Người noi theo, đi theo, phấn đấu rèn luyện suốt đời để vươn tới.

(1) Hồ Chí Minh, tt, NxbSt, HN, 1987, t7, tr 676

Nguyễn Thị Hằng Nga