Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp

02:05, 24/05/2012

Sau hơn 3 năm thực hiện nghị quyết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại cần được tháo gỡ.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 về “tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Sau hơn 3 năm thực hiện nghị quyết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại cần được tháo gỡ. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Hùng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng xung quanh vấn đề này.

PV: Xin đồng chí cho biết khái quát những kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW tại Lâm Đồng?

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW của BCH TW Đảng và Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiều con số đã được ghi nhận. Tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo từ 16% năm 2008, đến nay đã đạt con số 25%; công tác dạy nghề trong nhà trường phổ thông bước đầu đã hướng được nghiệp; công tác giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động cơ bản được đáp ứng. Trong giai đoạn 2011 - 2012, UBND tỉnh đã dành 23 tỷ đồng bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, tiến tới xây dựng Nhà Văn hóa Công nhân tại thành phố Đà Lạt.

PV: Là một chủ thể trong thực hiện nghị quyết, công đoàn các cấp trong tỉnh đã đạt được kết quả gì, thưa đồng chí?
 

Đ/c Nguyễn Minh Hùng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Đ/c Nguyễn Minh Hùng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng: Trong thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức thực hiện Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT”; làm tốt công tác phòng ngừa và tham gia giải quyết một số trường hợp lãn công tập thể, kịp thời giải quyết tình trạng bất ổn về quan hệ lao động ở một số doanh nghiệp. Kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết các đơn thư, kiến nghị về tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách pháp luật của người lao động, góp phần củng cố tình hình quan hệ lao động trên địa bàn, tạo sự ổn định về chính trị và phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương. Các CĐCS tích cực phối hợp với chuyên môn mở hội nghị CBCC, đại hội CNVC và hội nghị NLĐ với kết quả hàng năm có 100% các đơn vị mở hội nghị CBCC, 98% mở đại hội CNVC và từ 30-70% các đơn vị mở hội nghị NLĐ theo quy định, nhằm phát huy quyền làm chủ của CNVC-LĐ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh.

Qua công tác vận động đoàn viên, CNVC-LĐ hưởng ứng các phong trào thi đua và hoạt động xã hội công đoàn đã góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm”, chung tay xây dựng “Mái ấm công đoàn” do Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ trong tỉnh đóng góp, ủng hộ số tiền hơn 1,9 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa nhà ở cho người nghèo. Số tiền trên đã được phân bổ và hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 122 người lao động trong tỉnh, mỗi căn trị giá từ 5 triệu - 20 triệu đồng. Vận động một số đơn vị ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 3 nhà công vụ và 2 phòng học mẫu giáo tại huyện Lâm Hà với số tiền 800 triệu đồng. Từ năm 2008 đến tháng 6/2011, CĐ các cấp đã vận động đoàn viên, CNVC-LĐ toàn tỉnh đóng góp ủng hộ “Quỹ trợ vốn CNLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho gần 2.000 lượt CNVC-LĐ.

PV: Những tồn tại, hạn chế gì cần sớm được tháo gỡ, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng: Thực tế đời sống của CNLĐ, nhất là CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn; các thiết chế văn hóa cho CNLĐ ở cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến; công tác bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động tuy có tiến bộ, nhưng tai nạn lao động vẫn chưa giảm và bệnh nghề nghiệp vẫn còn tiềm ẩn; quan hệ lao động trong các doanh nghiệp còn nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động, đình công do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và hiểu biết pháp luật của người lao động chưa cao.

Nguyên nhân chính là do một số cấp ủy Đảng chưa thật sự quan tâm chỉ đạo tập trung, đồng bộ việc triển khai Nghị quyết; một số nơi kế hoạch thực hiện chưa cụ thể, có nơi khoán trắng cho Công đoàn, hoặc Ban chuyên đề của cấp ủy triển khai. Một số nơi chính quyền chưa tổ chức nghiên cứu xây dựng và thực hiện các đề án về xây dựng giai cấp công nhân theo tinh thần Nghị quyết 20. Đối với các tổ chức đoàn thể, trong đó có tổ chức công đoàn, có lúc có nơi chưa chủ động trong việc thực hiện nên việc triển khai quán triệt Nghị quyết còn chậm, chương trình, kế hoạch còn chung chung. Công tác tuyên truyền, học tập Nghị quyết trong hội viên, đoàn viên, CNLĐ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao.

Đời sống CNLĐ trong các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn
Đời sống CNLĐ trong các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn


PV: Từ góc độ công đoàn, đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì?

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng: Trước hết, Đảng và Nhà nước cần quan tâm sửa đổi Luật Lao động và Luật Công đoàn phù hợp với tình hình hiện nay. Đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo quan hệ lao động phát triển bền vững, hài hòa tiến bộ, phòng ngừa và tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, chỉ đạo đẩy mạnh tăng tỷ lệ phát triển Đảng trong CNLĐ. UBND tỉnh đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, kinh phí hỗ trợ để tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội trong CNLĐ. Nhà nước cần ban hành chế tài đủ mạnh để xử phạt chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện để CĐ tiến hành  thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ HỮU TÚC (Thực hiện)