Công tác vận động quần chúng, động lực thúc đẩy Tây Nguyên phát triển

09:07, 19/07/2012

Tây Nguyên không chỉ là vùng lãnh thổ đặc thù của đất nước ta mà còn có một vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh...

Tây Nguyên không chỉ là vùng lãnh thổ đặc thù của đất nước ta mà còn có một vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ ngàn xưa, cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã hình thành nên bản sắc văn hóa đặc sắc, phong phú, thể hiện sự thống nhất trong đa dạng; nhiều nơi còn lưu giữ khá đậm nét những tàn tích mẫu hệ trong đời sống xã hội, mối quan hệ dòng tộc, huyết thống, đại gia đình có vai trò quan trọng, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

 Lễ hội Tây Nguyên. Ảnh: KD
Lễ hội Tây Nguyên. Ảnh: KD


Sau giải phóng cùng với quá trình phân bố lao động trên phạm vi cả nước, dân số Tây Nguyên phát triển nhanh chủ yếu là tăng cơ học làm cho cơ cấu dân cư thay đổi, ngoài mặt tích cực, còn nảy sinh nhiều vấn đề mới trong quan hệ dân tộc, bảo tồn văn hóa bản địa, tranh chấp đất đai, rừng núi... có lúc, có nơi nảy sinh mâu thuẫn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Đáng chú ý việc thực hiện chính sách dân tộc bên cạnh những thành tựu to lớn thì còn không ít thiếu sót tạo kẽ hở để bọn phản động Fulro lợi dụng, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tham gia biểu tình bạo loạn. Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, trong đó công tác vận động quần chúng đóng vai trò rất quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hầu hết các địa phương đều tập trung đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thành lập các tổ, đội, công tác đưa hàng trăm cán bộ các ngành, chiến sĩ lực lượng vũ trang, xuống tận các buôn làng trọng điểm để phát động quần chúng. Các đội công tác đã lấy những thành tựu về kinh tế - xã hội ở cơ sở làm nội dung vận động, bác bỏ luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, giáo dục nâng cao tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào dân tộc, vận động đồng bào "không tin, không nghe, không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu", lấy người tốt, người lầm lỡ theo bọn phản động Fulro, kể cả một số đối tượng chạy sang Campuchia hồi hương trở về, nhận rõ được những sai trái, tham gia công tác vận động. Có tỉnh đã cử đại diện chính quyền địa phương, thân nhân các gia đình có người vượt biên sang Campuchia, đến các trại tị nạn để vận động, trở về đoàn tụ với gia đình. Nhiều tỉnh tổ chức hộ, thôn, buôn, tổ, hội của các đoàn thể mặt trận vùng người Kinh tham gia đỡ đầu, kết nghĩa hộ, đoàn thể, thôn buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm "Tỉnh bám xã, huyện bám thôn, xã bám hộ gia đình để vận động"; lấy thôn buôn làm địa bàn hoạt động, lấy hộ gia đình làm đối tượng vận động theo hướng: Kiên trì, thận trọng, vững chắc; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc để vận động. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương có liên quan tổ chức một số hội nghị nhằm đúc rút kinh nghiệm quý báu, phát huy những nhân tố tích cực trong công tác vận động quần chúng như: Hội nghị dân vận Tây Nguyên và Bình Phước đề ra cam kết với nội dung "6 không, 5 bảo đảm, 4 cùng, 3 thi đua" và trở thành một cuộc vận động trong hệ thống dân vận ở mỗi cấp; hay Đêm hội thanh niên Tây Nguyên đoàn kết và phát triển, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hội nghị già làng tiêu biểu Tây Nguyên, nêu cao vai trò gương mẫu của già làng trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, với phương châm "Già làng nói, dân làng nghe, già làng hô, dân làng hưởng ứng, già làng làm, dân làng làm theo". Đặc biệt, Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên  nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội dân tộc thiểu số Tây Nguyên tại Pleiku năm 1946; qua đó nhằm quán triệt, ôn lại lời dạy của Bác Hồ là: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau", "Giang sơn và Chính phủ là Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta, đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không trông chờ, mỗi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà". Sau Đại hội hàng năm nhân ngày kỷ niệm Mặt trận Dân tộc Thống nhất ở cơ sở, từng buôn làng cùng nhau ôn lại, kiểm điểm và thực hiện. Thông qua các phong trào hành động của quần chúng, nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố; diện buôn làng trọng điểm, yếu kém về an ninh chính trị, kinh tế chậm phát triển được củng cố và đẩy mạnh. Tình trạng buôn làng trắng tổ chức Đảng, đoàn thể được thu hẹp dần đến cuối năm 2010 giảm từ 26,5% xuống còn 9,75%, phát triển gần 59.000 đảng viên mới, trong đó 20,6% là người dân tộc thiểu số và 4,52% là người có đạo, đưa tổng số đảng viên toàn vùng tăng hơn 1,9 lần so với cuối năm 2001. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là trong bối cảnh Tây Nguyên, điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí, nguồn nhân lực nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu, phong tục tập quán còn nặng nề, nguồn lực đầu tư cho Tây Nguyên có hạn nhưng cuộc vận động xóa đói giảm nghèo đã đem lại những thành tựu to lớn. Từ 22,85% giai đoạn 2006-2010, hiện nay xuống còn 10,34%, riêng vùng dân tộc thiểu số giảm từ 47,8% xuống còn 19,9%, bình quân mỗi năm giảm 3,16%. GDP toàn vùng tăng 2,8 lần, tổng thu ngân sách tăng gấp 7 lần so với năm 2001; nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội đều có những bước tiến bộ vượt bậc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; bộ mặt nông thôn Tây Nguyên không ngừng đổi mới và phát triển.

Riêng lĩnh vực tôn giáo, nhất là đạo Tin lành đến nay có hơn 198 chi hội được công nhận, gần ngàn điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt với hơn 90% tín đồ được sinh hoạt hợp pháp. Nhiều nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, quần chúng rất phấn khởi, loại bỏ yếu tố địch lợi dụng ra khỏi hoạt động đạo Tin lành, làm cho thế giới hiểu rõ một cách đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo.

Kết quả trên có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là công tác vận động quần chúng; từ thực tiễn ở Tây Nguyên vừa qua càng làm sáng tỏ quan điểm tư tưởng của Bác Hồ là "Lấy dân làm gốc", "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Trừ một số ít ngoan cố cầm đầu theo bọn phản động Fulro buộc ta phải xử lý bằng pháp luật, còn đại đa số các đối tượng được ta vận động giáo dục, thuyết phục, khoan hồng, nhận rõ những sai trái đã trở về hòa nhập với cộng đồng, thấy rõ bộ mặt thật lừa phỉnh của Fulro yên tâm làm ăn, góp phần đấu tranh xóa bỏ các trại tị nạn ở Campuchia, coi công tác dân vận là nội dung cốt lõi, nhân tố để giải quyết tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên, sớm đưa nghị quyết của Đảng thành hiện thực.

Tuy vậy, Tây Nguyên hiện nay đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng gặp không ít những khó khăn thử thách đan xen, do đó, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị với cách làm phù hợp với đặc điểm của đồng bào. Trong đó cần coi trọng công tác vận động quần chúng, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tạo ra thế và lực mới để Tây Nguyên hội nhập và phát triển bền vững; đưa công tác vận động quần chúng lên tầm cao mới, trước mắt tập trung vào một số giải pháp cơ bản, cấp bách sau đây:

1. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân vận; công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác dân vận. Trong giai đoạn hiện nay Đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều tác động đến dân; vì vậy, phải coi trọng công tác dân vận của chính quyền, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18 của Thủ tướng về công tác dân vận của chính quyền, làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Những nội dung chương trình công tác, những dự án, việc đền bù giải tỏa mặt bằng, phân bổ nguồn vốn, quy hoạch, kế hoạch... đều phải được công khai minh bạch, khắc phục tình trạng quan liêu, sách nhiễu, hách dịch với dân, thực hiện đúng chính quyền của ta là chính quyền "của dân, do dân, vì dân". Gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho quần chúng với tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo bằng những việc làm cụ thể thiết thực như giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, việc làm, thu nhập. Khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của dân, tin và dựa vào dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở theo phương châm hành động là gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin, giúp cho dân vươn lên no ấm tiến bộ. Phương pháp giáo dục, vận động phải bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tiến hành bằng nhiều lực lượng tùy đối tượng mà giáo dục chung hay tuyên truyền vận động cá biệt theo hướng "Kiên trì, thận trọng, chắc chắn", lấy người thực việc thực để giáo dục lấy "Dân vận dân", nêu bật những thành tựu, đồng thời chỉ rõ những thiếu sót tồn tại, không nói chung. Trên cơ sở đó làm chuyển biến nhận thức đối với đồng bào, đặc biệt là tầng lớp trí thức, giới trẻ, phụ nữ; loại trừ tư tưởng ly khai tự trị, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch, tiếp tục khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi", không một thế lực nào có thể chia cắt được.

2. Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội cải thiện nâng cao mức sống của nhân dân lấy đó làm thước đo của công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nói phải đi đôi với làm, khắc phục những thiếu sót yếu kém trong việc thực hiện các chương trình dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo lòng tin đối với nhân dân. Kịp thời giải quyết các khiếu kiện tranh chấp trong nội bộ nhân dân, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thực tế và trên mọi lĩnh vực của đời sống, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy tính tích cực, đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh.

3. Tập trung chăm lo xây dựng và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng buôn làng theo hướng tự quản, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt ở địa bàn dân cư, xây dựng các quy ước, hương ước, làm tốt quy chế dân chủ. Phát huy vai trò mặt trận và các đoàn thể quần chúng, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng, tăng cường chính sách đại đoàn kết dân tộc. Chăm lo xây dựng cơ sở thu hẹp các địa bàn trọng điểm, làm tốt công tác xây dựng thực lực cốt cán, tranh thủ già làng, trưởng bản người có uy tín trong từng dòng tộc, chức sắc tôn giáo. Chú trọng công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên hình thành tổ chức chính trị, hạt nhân lãnh đạo tập hợp quần chúng ở cơ sở, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, bố trí đúng người đứng đầu của Mặt trận và đoàn thể, nâng cao năng lực và kiến thức quản lý, xây dựng thái độ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cán bộ dù ở bất kỳ cương vị nào, lĩnh vực nào đều phải làm và biết làm công tác dân vận theo chức trách và nhiệm vụ được giao, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng.

4. Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, đẩy mạnh mô hình "dân vận khéo" ở khắp các loại hình cơ sở, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng quân đội, công an, biên phòng, Ban Dân vận, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, với cấp ủy chính quyền địa phương, tạo sự chỉ đạo đồng bộ thống nhất của cấp ủy đối với các tổ, đội công tác, các đơn vị đứng chân trên địa bàn. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ công tác vận động quần chúng, duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhất là phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giữ gìn an ninh chính trị, xây dựng thế trận lòng dân sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thực hiện thắng lợi sự nghiệp "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", thực hiện mục tiêu "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh"; đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

NGUYỄN BẠN
Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên