(LĐ online) - Trong 10 năm qua, cùng với việc chia tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính từ tỉnh đến cơ sở, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở và chuyển trọng tâm hoạt động xuống địa bàn dân cư.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
(LĐ online) - Trong 10 năm qua, cùng với việc chia tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính từ tỉnh đến cơ sở với số đơn vị hành chính cấp huyện từ 48 tăng lên 61, số đơn vị hành chính cấp xã từ 613 tăng lên 722, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở và chuyển trọng tâm hoạt động xuống địa bàn dân cư.
Thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 05-3-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2002 - 2010, 5 tỉnh trong vùng đã huy động hàng nghìn cán bộ tham gia công tác dân vận, giúp cơ sở nắm dân, nắm tình hình. Tập trung phát triển đảng viên, thu hẹp số buôn làng chưa có đảng viên và tổ chức Đảng; không ngừng nâng cao chất lượng lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nhất là ở những địa bàn khó khăn phức tạp. Bên cạnh đó là sự quan tâm tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho gần 8 vạn lượt cán bộ xã, buôn làng dưới nhiều hình thức. Kết quả là đã có 13 nghìn người được đào tạo trung cấp thuộc nhiều chuyên ngành và gần 65 nghìn người được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó nâng dần trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, 9,98% cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, 42,3% có trình độ trung cấp; trên 75% đã được đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị (từ sơ cấp đến cử nhân). Bộ máy chính quyền được tập trung chấn chỉnh, kiện toàn, từng bước chuẩn hoá cán bộ theo quy định của Chính phủ. Nhiều tỉnh đã vận dụng chính sách, chủ động bổ sung các chức danh làm việc tại xã theo yêu cầu thực tế; tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về làm việc để nâng dần trình độ đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ dự nguồn cấp xã. Việc đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị làm việc của cấp xã được quan tâm; từng bước vận dụng, điều chỉnh hợp lý chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách và cán bộ buôn làng.
Trong xây dựng hệ thống chính trị, Tây Nguyên chú trọng quy hoạch, tạo nguồn, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các tỉnh quy hoạch trên 11.000 lượt cán bộ cơ sở (có 2.600 người DTTS). Hiện trong HĐND cấp xã, đại biểu người DTTS chiếm 37,6%; trong cơ cấu đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cấp xã có 29,06% cán bộ, công chức là người DTTS. Đội ngũ cán bộ chủ chốt người DTTS ở thôn, buôn chiếm 28,32%. Đồng thời, có chính sách, chế độ ưu tiên đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ người DTTS. Bên cạnh đó, Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực củng cố tổ chức, thu hút đoàn viên, hội viên; từng bước đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, gần dân sát dân; triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS, tạo nên phong trào tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Công tác xây dựng buôn, làng đã được chú ý, nhất là xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong công tác giáo dục, vận động quần chúng.
Để phát triển Tây Nguyên toàn diện và bền vững, các tỉnh trong vùng đều nhận thức sâu sắc việc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, trước hết là hệ thống chính trị cơ sở, để bảo đảm gần dân, thực sự gắn với dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã, buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, năng lực vận động quần chúng là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định vững chắc, lâu dài.
Bình Nguyên