Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TW 5 (khóa XI)

03:07, 31/07/2012

Sáng 31/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt  toàn tỉnh (trực tuyến qua 12 điểm cầu) học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TW 5 (khóa XI). Về dự hội nghị, đồng chí Chu Văn Đạt – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW đánh giá cao sự chuẩn bị, triển khai học tập các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết TW 5 của Tỉnh ủy.

Sáng 31/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt  toàn tỉnh (trực tuyến qua 12 điểm cầu) học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TW 5 (khóa XI). Về dự hội nghị, đồng chí Chu Văn Đạt – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW đánh giá cao sự chuẩn bị, triển khai học tập các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết TW 5 của Tỉnh ủy.

Hội nghị TW 5 được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 15/5/2012 tại Hà Nội. Sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc trong không khí dân chủ, đổi mới, Hội nghị đã thống nhất cao thông qua nội dung các Nghị quyết, kết luận: Kết luận về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp 1992; Kết luận về việc tổng kết Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”; Kết luận về “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”. Các đồng chí Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Nguyễn Xuân Tiến – UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp trình bày 5 chuyên đề trên.

Trình bày chuyên đề Kết luận về tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp 1992, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Qua hơn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đất nước ta, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta đã thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo con đường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), có nhiều vấn đề mới được đặt ra, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 không chỉ nhằm mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập mà còn là yêu cầu khách quan, cần thiết để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới… Theo đó, có 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đặt ra: Thể chế hóa, cụ thể và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; Khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; Phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Bảo đảm tính hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.

BÌNH NGUYÊN