Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

02:07, 18/07/2012

LTS: Năm 2012 là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012) giữa hai nước. Để giúp độc giả tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ gắn kết, thủy chung, bền vững giữa hai dân tộc, từ số báo này, Báo Lâm Đồng xin trích đăng một số nội dung quan trọng trong tài liệu  tuyên truyền “Kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012” do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

LTS: Năm 2012 là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012) giữa hai nước. Để giúp độc giả tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ gắn kết, thủy chung, bền vững giữa hai dân tộc, từ số báo này, Báo Lâm Đồng xin trích đăng một số nội dung quan trọng trong tài liệu  tuyên truyền “Kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012” do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Chương I: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, hai dân tộc Việt Nam và Lào đấu tranh giành độc lập, tự do (1930 – 1945)

I. Cơ sở hình thành quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam

Từ bao đời qua, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, gần gũi bên nhau như làng trên xóm dưới. Nhân dân Việt Nam thường nói láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau tương tự như cách nhân dân Lào gọi nhân dân Việt Nam là bản cạy hươn khiêng (bản kề, nhà cạnh). Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và dựng xây xã hội của biết bao thế hệ cộng đồng dân cư hai nước có nhiều lợi ích tương đồng, cao hơn hết là vận mệnh hai dân tộc gắn bó với nhau rất khăng khít và được phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hình thành nên không hề do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, cũng không phải là một hiện tượng nhất thời mà bắt nguồn từ vị trí địa – chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha về hòa bình và phát triển. Quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được nâng thành quan hệ đặc biệt kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 và sau đó (tháng 10 năm 1930), Đảng được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sau này.

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ

Việt Nam và Lào có vị trí địa – chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi có nguồn trữ lượng dầu khí và tiềm năng tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, một tiêu điểm của sự tranh giành lợi ích và ảnh hưởng giữa các nước lớn và các trung tâm quyền lực quốc tế.

Dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào là bức tường thành hiểm yếu, tạo điều kiện cho hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Tại đây, có nhiều vị trí chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng rộng lớn của cả hai nước, có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Do điều kiện tự nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Lào có nhiều điểm tương đồng, lại vừa có những nét khác biệt, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, hai nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau bằng tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường cũng như sự phân vùng kinh tế và phân công lao động hợp lý để hợp tác cùng phát triển.

(Còn nữa)