(LĐ online) - Chiều 13/7/2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã làm việc với Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Di Linh nhằm đánh giá những kết quả cũng như hạn chế sau một thời gian cổ phần hóa và chuyển đổi hình thức.
(LĐ online) - Chiều 13/7/2012, đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm trưởng đoàn cùng với một số Bộ, ngành đã làm việc với Công ty cổ phần (CP) Chè Lâm Đồng và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Di Linh. Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Yên.
Nội dung làm việc nhằm đánh giá những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế mà các công ty gặp phải sau một thời gian cổ phần hóa và chuyển đổi hình thức.
Theo ông Đoàn Trọng Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Chè Lâm Đồng: Từ cuối năm 2005, Công ty Chè Lâm Đồng (Doanh nghiệp Nhà nước) bắt đầu thực hiện cổ phần hóa (đợt I) 6 nhà máy chế biến gắn với vườn chè, cà phê gồm Nhà máy chè Cầu Đất (Đà Lạt), Nhà máy chè 2/9 (Di Linh), Nhà máy chè Minh Rồng (Bảo Lâm), Nhà máy chè 1/5 (Bảo Lộc), Nhà máy chè Hà Giang (Bảo Lộc) và Nhà máy chè Rồng Vàng (Bảo Lộc). Tổng diện tích đất Công ty hiện đang quản lý và đã chuyển giao cho các Công ty CP là gần 2.000 ha, trong đó đất trồng chè chiếm hơn 1.600 ha.
.Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc tại Công ty CP Chè Lâm Đồng. Ảnh Hữu Sang |
Sau gần 5 năm thực hiện cổ phần hóa, các công ty CP đã được trao quyền tự chủ, tiếp tục sử dụng đất đai và vườn chè có hiệu quả. Riêng Công ty CP Chè Lâm Đồng vẫn giữ được vị thế chủ đạo trong ngành chè Lâm Đồng. Sản lượng chè xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hàng năm đạt 5.000 tấn trở lên, doanh thu đạt 100 tỷ đồng/năm. Trong những năm qua, công ty đã đầu tư 15 tỷ đồng để đổi mới công nghệ chế biến chè, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy. Đồng thời, công tác cải tạo vườn chè già cỗi để trồng lại chè chất lượng, năng suất cao cũng được công ty chú trọng. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của công ty là chưa đổi mới về cơ sở hạ tầng, sản phẩm chủ lực vẫn là chè, kinh doanh cà phê chỉ ở mức độ thâm nhập thị trường, chưa giải quyết được các khoản nợ khoanh với ngân hàng.
Còn theo báo cáo của ông Phạm Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Di Linh, sau 3 năm chuyển đổi từ Lâm trường sang Công ty Lâm nghiệp và nay là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Di Linh, công ty hiện quản lý gần 30 ngàn ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là hơn 25 ngàn ha, đất sản xuất nông nghiệp là 850 ha, còn lại là đất chưa có rừng và đất giao cho các dự án, cộng đồng thôn. Với diện tích được giao, công ty hiện tổ chức thành 2 xí nghiệp lâm nghiệp với nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và sản xuất lâm nghiệp.
Từ khi chuyển đổi, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất mức vi phạm lâm luật, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, mức độ vi phạm vẫn xảy ra ở mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong 3 năm qua, công ty đã trồng mới hơn 150 ha rừng. Công ty cũng đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho gần 600 hộ dân với tổng diện tích gần 16 ngàn ha. Nhờ đó, trong những năm qua, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, đời sống của đồng bào dân tộc tại địa phương ngày càng gắn kết với công ty thông qua việc tạo công ăn việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới tại các xã. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn còn gặp một số khó khăn là chưa thể thực hiện việc cắm mốc để phân định ranh giới đất nông, lâm nghiệp; chưa chủ động trong sử dụng đất để sản xuất kinh doanh và cơ chế tài chính chưa rõ ràng và cụ thể.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà các công ty đã đạt được sau một thời gian chuyển đổi. Đối với Công ty CP Chè Lâm Đồng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công ty cần xây dựng chiến lược sử dụng đất và sắp xếp, đổi mới để hiệu quả sử dụng đất đạt cao nhất. Liên quan đến việc giao khoán đất cho các hộ dân, công ty cần xem cơ chế hiện tại đã tối ưu chưa, còn vấn đề gì còn tồn tại, cần điều chỉnh thì kiến nghị trong thời gian tới để tạo điều kiện cho bà con nông dân ổn định sản xuất, ổn định đời sống.
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Di Linh, Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả của quá trình chuyển đổi, từ đó đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp để công ty có thể nắm quyền chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phó Thủ tướng cũng đề nghị nên xem xét cho nông dân khai thác các sản phẩm phụ từ rừng nhưng phải có cơ chế quản lý phù hợp nhằm tránh tình trạng xâm hại rừng.
HỮU SANG
* Trước đó, sáng 13/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần sữa Đà Lạt về tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất sau khi chuyển đổi sang mô hình cổ phần hoá doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Hồng Hải |
Với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi bò, chế biến sữa, kinh doanh nông sản, sau 7 năm cổ phần hoá doanh nghiệp (từ năm 2005), hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần sữa Đà Lạt đã có bước phát triển đáng khích lệ, công tác quản lý, sử dụng đất đai từng bước đi vào ổn định. Nếu như năm 2005, doanh thu của doanh nghiệp chỉ đạt 8 tỷ đồng thì đến năm 2011 tổng doanh thu đạt 92,7 tỷ đồng, dự kiến năm 2012 doanh thu tăng lên 145,5 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng từ 10,5 tỷ lên 70,5 tỷ đồng vào năm 2011. Công ty đã đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa công suất 40 tấn/ngày, đang phấn đấu tăng đàn bò sữa lên 1.500 con vào năm 2015, quy hoạch phát triển đồng cỏ để mỗi năm sản xuất ra 20 ngàn tấn thức ăn thô cho bò sữa. Nhờ làm tốt công tác cung ứng con giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật…, công ty đã góp phần tăng đàn bò sữa tại Lâm Đồng lên 5.000 con; đồng thời xây dựng thành công thương hiệu sữa DaLat Milk trên thị trường trong nước.
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác trao đổi với lãnh đạo Công ty CP sữa Đà Lạt. Ảnh Châu Mai |
Sau khi nghe các bộ, ngành trung ương và địa phương phát biểu ý kiến, kiến nghị liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý, sử dụng đất tại Công ty cổ phần sữa Đà Lạt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao kết quả hoạt động của công ty sau khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp. Phó Thủ tướng nhận định: Lâm Đồng có nhiều thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, cho phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có bò sữa. Để phát huy lợi thế đó, tỉnh và doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sống tốt bằng nghề chăn nuôi bò sữa. Trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh, công ty cần có chiến lược thu hồi được vốn nhanh, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hướng cạnh tranh, năng suất cao; quan tâm xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân sở tại cùng tham gia mạnh hơn nữa trong phát triển đàn bò sữa và tăng diện tích trồng trọt tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng thống nhất với việc sẽ bổ sung danh mục bồn làm lạnh sữa, bồn bảo ôn chứa sữa vào danh mục máy móc thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Hồng Hải