Ngày 16 tháng 7 năm 1998, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”...
Ngày 16 tháng 7 năm 1998, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó nhóm giải pháp số 1 có ý nghĩa then chốt là “Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nhân dân thôn 7, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm rước bằng “Công nhận thôn văn hóa”. Ảnh: T.T |
Về bản chất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa sạch - đẹp - an toàn, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; làm cho phong trào lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, hướng tới một xã hội thực sự văn minh.
Trong những năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Ban Chỉ đạo phong trào các cấp đã có sự thống nhất trong công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện và phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, phối hợp và đẩy mạnh các phong trào ở địa phương gắn với Phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua đó, phong trào đã phát triển sâu rộng và trở thành phong trào thi đua sôi nổi của mọi tầng lớp nhân dân, hiệu quả của phong trào góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 224.803/275.198 hộ gia đình văn hóa (đạt 81,7 %); 1.026 khu dân cư văn hóa (đạt 71,9%); 1.191/1.373 cơ quan, đơn vị văn hóa (đạt 85,8%); 27/148 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; có 82 nhà văn hóa xã, 825 nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn. Bên cạnh đó, các phong trào như: “Người tốt, việc tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”… phát triển rộng khắp, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm, chú trọng.
Hiệu quả rõ nhất của phong trào TDĐKXDĐSVH là đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế ổn định và bền vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,6 triệu đồng/người/năm; không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,1%. “Quỹ vì người nghèo” các cấp trên toàn tỉnh đã vận động được 7,46 tỷ đồng; chương trình an sinh xã hội huy động trên 43 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Từ nguồn quỹ và sự tham gia đóng góp của các tổ chức, các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cộng đồng, toàn tỉnh đã xây dựng được 448 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng 67 nhà Đại đoàn kết…
Mặt khác, phong trào TDĐKXDĐSVH cũng tạo cho mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Việc thực hiện quy ước văn hóa ở các cơ sở được triển khai thực hiện thường xuyên, do vậy các tập tục lạc hậu dần được xoá bỏ; mẫu gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc được đề cao như: ông bà mẫu mực, cháu con thảo hiền, hiếu học, làm kinh tế giỏi đã trở thành động lực tạo nếp sống tốt đẹp trong mỗi gia đình.
Có thể nói, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phong trào TDĐKXDĐSVH vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất định cần được khắc phục tháo gỡ, song phong trào đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi vì mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phong trào TDĐKXDĐSVH là một cuộc vận động lớn, liên quan đến nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó, xây dựng thật tốt nếp sống văn hóa trong toàn xã hội là mục đích lớn nhất của phong trào. Để đạt được mục tiêu này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự củng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân để văn hóa thực sự là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ từng căn dặn.
THANH TRUYỀN