Kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc trên Biển Đông

04:08, 29/08/2012

Với phương châm “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” từng khẳng định qua ngàn năm, Việt Nam kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Từ đầu năm đến nay, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến rất phức tạp, chủ yếu do Trung Quốc triển khai toàn diện các hoạt động về pháp lý, ngoại giao, thông tin tuyên truyền (nhất là thông qua tờ Thời báo Hoàn Cầu với những luận điệu xuyên tạc, quá khích chủ nghĩa dân tộc) và trên thực địa nhằm quản lý trên thực tế yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông, tiếp tục tạo động thái bất bình thường tranh chấp với Philippin tại khu vực bãi cạn Scarborough nằm trong khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia này…

Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.
Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.


Với Việt Nam, Trung Quốc cố tình tìm cách “hợp pháp hóa” hành vi chiếm đóng và hiện diện của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua phê chuẩn một loạt văn bản pháp lý như “Quy hoạch chức năng biển toàn quốc” bao gồm “vùng chức năng biển” tại Trường Sa và Hoàng Sa. Chính thức khai trương tuyến du lịch tới Hoàng Sa, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông sớm hơn mọi năm, công khai quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, công bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi được như những tấm bản đồ cổ của các nhà hàng hải thế giới, của Việt Nam và ngay cả “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được nhà Thanh mời các nhà địa lý, khoa học hàng hải châu Âu khảo sát, định vị và vẽ, xuất bản năm 1904 đã minh chứng cực Nam đất nước này là đảo Hải Nam, không hề có địa danh Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa), song Trung Quốc vẫn “lấp liếm” không tôn trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Với phương châm “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” từng khẳng định qua ngàn năm, Việt Nam kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn; lấy đấu tranh ngoại giao, pháp lý là chính, cố gắng duy trì, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc. Cùng với nhiều chứng cứ pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, ngày 21 – 6 – 2012, Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật Biển Việt Nam đã xác định một cách khoa học đường cơ sở, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc chủ quyền của ta (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.

Theo Luật Biển Việt Nam, quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Hiện nay, ta đã có đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến đảo Thổ Chu. Một số khu vực hiện chưa có đường cơ sở như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì Chính phủ sẽ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải Việt Nam. Lãnh hải nước ta rộng 12 hải lý. Vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng thuộc chủ quyền của nước ta. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở nói trên. Ở những khu vực rìa lục địa rộng hơn 200 hải lý, ta có chủ quyền mở rộng thềm lục địa Việt Nam đến 350 hải lý theo các điều kiện và thủ tục Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Năm 2009, Nhà nước đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc hai báo cáo quốc gia về thềm lục địa của Việt Nam ngoài 200 hải lý (một báo cáo Việt Nam xây dựng và trình, một báo cáo phối hợp với Malaysia). Đối với các đảo, quần đảo, Luật Biển Việt Nam khẳng định Nhà nước thực hiện chủ quyền trên các đảo, quần đảo Việt Nam. Phù hợp với điều 121 của Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Với tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của đất nước hơn 4000 năm lịch sử và của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được hun đúc, tôi luyện 67 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc trên Biển Đông!

BÌNH NGUYÊN