Đồng chí Võ Chí Công sinh ngày 7/8/1912, trong một gia đình yêu nước, cách mạng, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước chống giặc ngoại xâm, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931.
Đồng chí Võ Chí Công sinh ngày 7/8/1912, trong một gia đình yêu nước, cách mạng, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước chống giặc ngoại xâm, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931.
Tháng 5/1935, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ ghép, Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam - Đà Nẵng, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên từ 1935 đến 1943. Năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 25 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột.
Tháng 3 năm 1945, từ nhà tù Buôn Mê Thuột trở về, đồng chí Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An. Bằng nhiều biện pháp sáng tạo và linh hoạt như: gửi thư đòi Tỉnh trưởng giao chính quyền cho cách mạng; cử cán bộ đi sâu vào cơ sở của địch; tổ chức quần chúng biểu tình bao vây đồn bốt và các cơ quan đầu não của địch, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành thắng lợi và Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.
Cách mạng tháng Tám thành công (1945), đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo đã trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, lãnh đạo nhân dân kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, đồng chí đã có những đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam. Trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Khu ủy khu V đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh thắng Mỹ trong chiến tranh. Đồng chí Võ Chí Công tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Buôn Mê Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ, đồng chí đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực cho toàn quân, toàn dân ta giải phóng Sài Gòn, đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác, được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đặc biệt trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là công tác lập hiến và lập pháp. Đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiếp pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước.
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh.
THÚY NGÀ