Trước những hoạt động của Ban chỉ đạo khởi nghĩa, các chính giới Lào nhận rõ thật tâm đoàn kết của Việt kiều đối với Lào...
(tiếp theo) - Trước những hoạt động của Ban chỉ đạo khởi nghĩa, các chính giới Lào nhận rõ thật tâm đoàn kết của Việt kiều đối với Lào. Ủy ban Lào pên Lào và Tỉnh trưởng Viêng Chăn là Khăm Mạo rất tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo khởi nghĩa, vận động lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo an đi theo cách mạng, tổ chức đội bảo an hỗn hợp Lào - Việt để tự vệ. Nhờ sự vận động tích cực của Tỉnh trưởng Viêng Chăn, Ban chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn, Hoàng thân Phếtxarạt đã đồng ý cho Việt kiều được tổ chức các đội tự vệ để giữ gìn trật tự trị an; cho phép Hội Việt kiều cứu quốc được hoạt động công khai.
[links(right)]Ngày 23 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Ông Khăm Mạo thay mặt Chính phủ Vương quốc và Ủy ban Lào pên Lào Viêng Chăn tuyên bố Việt kiều được quyền tổ chức các đội tự vệ; kêu gọi Việt kiều đoàn kết với nhân dân Lào, giúp đỡ Chính phủ Lào, cùng nhau chống Pháp, giành độc lập dân tộc cho hai nước. Cuộc mít tinh đã tăng cường lòng tin và tình đoàn kết Lào - Việt Nam, làm cho các lực lượng Việt kiều và lực lượng Lào yêu nước càng gắn bó.
Cuộc mít tinh ngày 23 tháng 8 năm 1945 đánh dấu cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn giành được thắng lợi mà không tốn xương máu. Đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ ủy Ai Lao mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo khởi nghĩa đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của các lực lượng yêu nước Lào - Việt, đặc biệt là đông đảo Việt kiều ở Viêng Chăn; tranh thủ được sự ủng hộ của chính giới Lào, kể cả những người trong chính quyền Vương quốc. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Viêng Chăn đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám-1945 ở Việt Nam và khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lào diễn ra gần như đồng thời và đều ít đổ máu, minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thể hiện rõ tính hiệu quả của tình đoàn kết đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, mở ra kỷ nguyên mới về quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Lào - Việt Nam cùng đoàn kết giúp đỡ nhau vì những mục tiêu chung của cả hai dân tộc.
Nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ hai dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Lào để xác lập quan hệ với Chính phủ Lào. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4 tháng 9 năm 1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3-10-1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt đã tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều cũng như với Việt Nam.
Sau khi khởi nghĩa ở Lào giành thắng lợi, Việt kiều và nhân dân Lào ở Viêng Chăn phát động phong trào quyên góp, mua sắm vũ khí, rèn giáo mác rất sôi nổi; tổ chức tuần tra canh gác các ngả đường, khu phố, làng bản, giữ gìn trật tự, trị an, ngăn ngừa trộm cướp, cảnh giới đối với quân Pháp đang lăm le tấn công vào thành phố.
Được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn, sau một thời gian hiệp thương, hai tổ chức yêu nước là Hội “Lào pên Lào” và tổ chức “Lào Ítxalạ” đã hợp nhất thành lập Ủy ban khởi sự (Khanạ Phu co kan), gấp rút tiến hành thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời
Sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxalạ vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Hàng vạn nhân dân Lào, gồm công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, viên chức, người buôn bán và Việt kiều tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần Lào - Việt đoàn kết. Chính phủ Lào chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”. Thủ tướng Khăm Mạo tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”.
* * *
1930-1945 là thời kỳ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mối quan hệ đó xuất phát từ những điều kiện về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt từ yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trong tiến trình lịch sử đó, bộ phận nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Người Việt ở Lào là một lực lượng tích cực trong phong trào cách mạng Lào và là nhân tố quan trọng xây đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc.
Sự ra đời của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12 tháng 10 năm 1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.
(còn nữa)