Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là sự nghiệp chung của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Đoàn kết chặt chẽ giữa ba nước nhất định sẽ đi tới thắng lợi, nhất định sẽ giành được độc lập tự do cho mỗi nước. Gặp gỡ các đại biểu của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về dự hội nghị, Người căn dặn: Phải chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ Kháng chiến Lào, tuyệt đối không được tự cao, tự đại, bao biện; phải luôn luôn đoàn kết với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào.
Ngày 14-9-1952, Hội nghị cán bộ Liên minh nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia họp tại Việt Bắc (Việt Nam) để kiểm điểm tình hình thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Liên minh tháng 3 năm 1951 và đề ra phương hướng phối hợp chiến đấu trong thời gian tới. Đến dự và nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là sự nghiệp chung của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Đoàn kết chặt chẽ giữa ba nước nhất định sẽ đi tới thắng lợi, nhất định sẽ giành được độc lập tự do cho mỗi nước. Gặp gỡ các đại biểu của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về dự hội nghị, Người căn dặn: Phải chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ Kháng chiến Lào, tuyệt đối không được tự cao, tự đại, bao biện; phải luôn luôn đoàn kết với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào.
Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân Đông Dương tháng 9-1952 đã góp phần thắt chặt và thúc đẩy tình đoàn kết hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lên bước phát triển mới, trở thành nhân tố quan trọng đưa cuộc kháng chiến của ba dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và cùng với sự đoàn kết và phối hợp của Việt Nam, trong hai năm 1951-1952, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã giành được kết quả quan trọng về mọi mặt chính trị, quân sự, văn hóa xã hội, ngoại giao. Trong các vùng giải phóng và khu du kích, chính quyền các cấp được thành lập từ trung ương đến địa phương với đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển và trưởng thành. Uy tín và hiệu lực của Ủy ban quân, dân, chính nâng cao, đông đảo nhân dân các bộ tộc Lào tích cực tham gia kháng chiến. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu liên tục, dẻo dai trên khắp các địa bàn Thượng, Trung và Hạ Lào. Trong vùng địch kiểm soát, phong trào đấu tranh chính trị nổ ra ở nhiều nơi, các cơ sở cách mạng phát triển ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê… Kết quả hoạt động phối hợp đấu tranh giữa Việt Nam và Lào trong hai năm 1951-1952 đã góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết để phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Đầu năm 1953, sau thất bại ở mặt trận Tây Bắc (Việt Nam), thực dân Pháp tăng cường lực lượng ở Sầm Nưa để bảo vệ khu vực Thượng Lào. Do đó, có đập tan được căn cứ Sầm Nưa, giải phóng Thượng Lào, Việt Nam mới có điều kiện phối hợp với Lào mở rộng khu căn cứ, xây dựng hậu phương kháng chiến và phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương.
Tháng 4 năm 1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam (gồm 10 trung đoàn chủ lực và các đoàn quân tình nguyện đang hoạt động ở Thượng Lào) phối hợp với quân đội Lào Ítxalạ (gồm 5 đại đội và hàng nghìn dân quân du kích) phối hợp tiến công theo hướng chủ yếu là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở đường số 7, lưu vực sông Nậm U và giành thắng lợi (tháng 5-1953), giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ.
(còn nữa)