Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (tiếp theo)

02:08, 07/08/2012

Bằng mọi sự nỗ lực, các lực lượng vũ trang Việt – Lào đã từng bước tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, xây dựng thêm nhiều cơ sở kháng chiến và mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp các tỉnh của Đông Lào.

Bằng mọi sự nỗ lực, các lực lượng vũ trang Việt – Lào đã từng bước tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, xây dựng thêm nhiều cơ sở kháng chiến và mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp các tỉnh của Đông Lào.

Quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng (1.1948) về những chủ trương mới và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam quyết định tăng cường lực lượng sang phối hợp và giúp đỡ nhân dân Lào đẩy mạnh kháng chiến. Thực hiện chủ trương trên, trong năm 1948, lãnh đạo hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất quyết tâm và tiến tới thành lập Mặt trận Tây Bắc Lào nhằm xúc tiến việc xây dựng căn cứ địa Tây Bắc Lào, nối liền với khu Tây Bắc của Việt Nam; thành lập Ban xung phong Lào Bắc, để xây dựng căn cứ địa Lào Bắc vững chắc, làm chỗ dựa cho việc xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân; thành lập Đoàn võ trang công tác miền Tây, làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào ở khu vực phía nam tỉnh Hủa Phăn và phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng và thành lập Khu Đặc biệt ở Quảng Nam (Việt Nam) để làm chỗ dựa xây dựng căn cứ ở Hạ Lào.

Hoạt động trong điều kiện vô cùng gian khổ, các lực lượng Việt Nam tham gia chiến đấu trên khắp các mặt trận Lào đã lập nhiều chiến công, góp phần tạo ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước và để lại những ấn tượng tốt đẹp về tình đoàn kết Việt – Lào.

Như vậy, trong những năm 1945-1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào từng bước được hình thành, phát triển và thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào gắn bó mật thiết hơn.

[links(right)]Vào đầu năm 1949, căn cứ vào sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, Hội nghị cán bộ lần thứ sáu Trung ương Đảng (1.1949), quyết định “mở rộng mặt trận Lào - Miên”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu mở rộng Mặt trận Kháng chiến Lào và Campuchia, củng cố các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở hai nước này, tăng cường thêm cán bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ ở Lào... Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về Mặt trận Lào – Miên, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ hỗ trợ hai nước Lào, Campuchia giải phóng khỏi ách thực dân Pháp theo phương châm: vận động nhân dân và để cán bộ Lào,Campuchia tự đảm trách công việc; cán bộ Việt Nam chỉ làm cố vấn; thành lập quân giải phóng Lào. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã cử nhiều cán bộ phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở lớp huấn luyện quân sự và học tập chính trị. Ngày 20-1-1949, Đội Látxavông được thành lập tại vùng căn cứ Xiềng Khọ (Hủa Phăn), do đồng chí Kayxỏn Phômvihản làm Tổng Chỉ huy.

Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành của lực lượng kháng chiến Lào, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của phương châm đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng hai nước Việt Nam và Lào.

Trước bước phát triển mới của cách mạng Lào, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (15- 6-1949) ra nghị quyết về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào. Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Lào dựa trên một số nguyên tắc chủ yếu như: Thực hiện quyền dân tộc tự quyết đi đôi với đẩy mạnh đoàn kết, liên minh trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Lào; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ; củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ máy lãnh đạo kháng chiến Lào; cán bộ, chiến sĩ Việt Nam công tác ở Lào phải phục tùng Chính phủ Lào, phải tôn trọng và đoàn kết với cán bộ Lào. Trong các hoạt động phối hợp chung, phải có sự thống nhất của lãnh đạo cả hai bên Việt Nam và Lào.

(còn nữa)