Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (tiếp theo)

03:08, 09/08/2012

Các quan điểm, nguyên tắc của Đảng nêu trên là những định hướng quan trọng cho sự hợp tác và hỗ trợ cách mạng Lào, góp phần quyết định tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào.

Các quan điểm, nguyên tắc của Đảng nêu trên là những định hướng quan trọng cho sự hợp tác và hỗ trợ cách mạng Lào, góp phần quyết định tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào.

Dựa trên những biến chuyển mới của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Quan hệ chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội Lào Ítxalạ được quy định rõ theo nguyên tắc: Chỉ huy và tác chiến thì Việt Nam làm chỉ huy trưởng. Vũ trang tuyên truyền thì làm chung, phối hợp chỉ huy.

Việc xác định danh nghĩa quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào; đồng thời tạo cơ sở quan trọng để tăng cường quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội hai nước Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Căn cứ vào thực tiễn phát triển của cách mạng Lào, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba bàn về việc chuyển mạnh sang tổng phản công (21.1-3.2.1950) nhận định: Kháng chiến ở Lào đã tạo được thế và lực mới, có cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang, có căn cứ kháng chiến và chính quyền địa phương. Để giành thắng lợi to lớn hơn nữa, Hội nghị chủ trương: Đẩy mạnh cuộc kháng chiến và xây dựng cương lĩnh chính trị của cách mạng Lào; đồng thời nhấn mạnh một số yêu cầu cụ thể như: Xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, tăng cường lực lượng vũ trang, tích cực phối hợp tác chiến với chiến trường chung, chú trọng công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên là công nông, trí thức tiến bộ người Lào...

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội Quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến) họp từ ngày 13 đến ngày 15.8.1950, tại Tuyên Quang (Việt Nam) quyết định thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, lập Mặt trận Dn tộc thống nhất Lào, tức Neo Lào Ítxalạ, do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ. Đại hội đã đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết quốc tế, trước hết là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

Thành công của Đại hội Quốc dân Lào chứng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương về nhiệm vụ xây dựng thực lực cách mạng Lào đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến ở Lào, làm cho thế và lực của cách mạng Lào được tăng cường, liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào và Việt Nam củng cố vững chắc hơn.

Tóm lại, sự phối hợp, giúp đỡ, liên minh đoàn kết chiến đấu giữa Việt -Lào, Lào -Việt, trong những năm 1945 - 1950, đã góp phần đưa lại những thắng lợi căn bản cho sự nghiệp cách mạng của hai nước, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mối quan hệ liên minh, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bước sang năm 1951, cục diện chiến tranh biến chuyển ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo điều kiện đưa quan hệ đoàn kết, phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương sang một giai đoạn mới. Song, thực dân Pháp được sự trợ giúp của đế quốc Mỹ vẫn tăng cường chiến tranh, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến ở từng nước, làm cản trở quá trình phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày 11 đến 19 - 2 - 1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Đồng chí Cay xỏn Phômvihản, Trưởng đoàn đại biểu Lào tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội.

Bàn về quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng ba nước Đông Dương, Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội nhấn mạnh: Việt Nam kháng chiến, Lào, Campuchia cũng kháng chiến; thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù chung của cả ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Do đó, Việt Nam phải ra sức giúp đỡ Lào, Campuchia kháng chiến và đi đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết về đường lối, nhiệm vụ chung và đề ra chủ trương xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng cách mạng, có cương lĩnh riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ phối hợp và giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào, Campuchia xây dựng chính đảng mácxít để lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai nước giành lấy thắng lợi cuối cùng.

(còn nữa)