Với việc xác định rõ thêm vị trí, vai trò của cách mạng mỗi nước và đề ra phương hướng, biện pháp tăng cường liên minh chiến đấu, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở ra chặng đường phát triển mới của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
... Với việc xác định rõ thêm vị trí, vai trò của cách mạng mỗi nước và đề ra phương hướng, biện pháp tăng cường liên minh chiến đấu, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở ra chặng đường phát triển mới của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Theo sáng kiến của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 11/3/1951 Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương khai mạc tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Các đại biểu đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào Ítxalạ, của Mặt trận Khơme Ítxarắc đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Hội nghị đề ra chương trình hành động chung và cử Ủy ban liên minh gồm đại diện của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Việc thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ sở nâng cao quan hệ đoàn kết và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, là đòn giáng mạnh mẽ vào chính sách “chia để trị” của bọn thực dân, đế quốc.
Chấp hành Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, các đồng chí Lào là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức thành “Nhóm Nhân dân Lào” làm nòng cốt lãnh đạo phong trào và chuẩn bị cho việc thành lập đảng chính trị của Lào. Đồng thời, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định cho các đảng viên của mình đang hoạt động ở Lào thành lập các tổ chức Đảng Lao động Việt Nam để vừa lãnh đạo lực lượng Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào, vừa giúp “Nhóm Nhân dân Lào” giữ vững sinh hoạt và lãnh đạo kháng chiến. Phối hợp với “Nhóm Nhân dân Lào”, các tổ chức Đảng Lao động Việt Nam ở khắp Thượng, Trung, Hạ Lào triển khai giáo dục cho đảng viên cả Việt Nam và Lào nắm vững mục tiêu, yêu cầu xây dựng chính đảng mácxít của Lào để lãnh đạo kháng chiến thắng lợi. Nhờ đó, công tác phát triển Đảng ở Lào có nhiều tiến bộ, bước đầu tạo cơ sở về mặt tổ chức cho việc tiến tới thành lập Đảng cách mạng của Lào.
[links(right)]Thực hiện ý đồ giành lại quyền chủ động chiến lược, từ năm 1951 thực dân Pháp tăng cường khủng bố, càn quét, gây nhiều khó khăn cho kháng chiến của Việt Nam và Lào, nhất là làm cho hiệu quả liên minh chiến đấu giữa hai nước bị hạn chế, không phát huy cao được khả năng phối hợp chiến trường.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhiệm vụ giúp cách mạng Lào như mình tự giúp mình để cùng phối hợp chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Thấm nhuần quan điểm quốc tế cao cả của Đảng Lao động Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam từ tiền tuyến đến hậu phương sẵn sàng chia sẻ những thuận lợi, cùng khắc phục khó khăn, cử nhiều người con yêu dấu của mình sang phối hợp cùng bạn Lào đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng kháng chiến. Trong năm 1951, đã có hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tình nguyện sang hoạt động ở chiến trường Lào.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng, Trung đến Hạ Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng quân và dân Lào đẩy mạnh chiến đấu và công tác.Với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân các bộ tộc Lào, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào Ítxalạ tổ chức tập kích, phục kích, đập tan nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững các khu căn cứ kháng chiến, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước phối hợp đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.
(còn nữa)