Ngày 2/9, một dấu son chói lọi

08:08, 31/08/2012

Ngày 2/9/1945, trước gần một triệu đồng bào nhân dân Thủ đô Hà Nội đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”...

Ngày 2/9/1945, trước gần một triệu đồng bào nhân dân Thủ đô Hà Nội đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” và trịnh trọng tuyên bố: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra đời. Đây là kết quả tất yếu của “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy mươi năm nay”.

Ngày 2/9/1945 mãi mãi đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là nơi hội tụ lòng yêu nước, biểu thị quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 67 năm kể từ ngày ấy, dù thế giới đã qua nhiều biến động khôn lường, đất nước cũng qua bao thăng trầm lịch sử nhưng mỗi người dân Việt Nam tự hào là đã giữ trọn lời thề trước hồn thiêng sông núi; đã, đang và mãi mãi làm hết sức mình để bảo vệ và phát triển nền độc lập dân tộc.

Hẳn trong tâm khảm của mỗi chúng ta chẳng ai có thể quên vận nước khi mới ra đời, 21 ngày sau ngày tuyên bố độc lập, Nhà nước Việt Nam ở vào tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc” thì thực dân Pháp đặt dân tộc ta trước một sự lựa chọn và không cách nào khác là buộc dân tộc ta phải đứng lên kháng chiến để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Và rồi, 30 năm sau đó, dân tộc ta bước vào hai cuộc kháng chiến đầy cam go và thử thách hiểm nghèo chưa từng có trong lịch sử. Nhưng, để giữ trọn lời thề, với ý chí kiên cường và tinh thần “không có gì quý ơn độc lập tự do”, dân tộc ta lại làm nên huyền thoại “Là một nước nhỏ mà đã anh hùng đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Viết tiếp bản hùng ca lịch sử thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước vào thời kỳ mới: cả nước độc lập, thống nhất và tiến lên CNXH.

Để có được thành quả vĩ đại đó, có người đã nhẩm tính: dân tộc Việt nam đã phải bỏ ra trên 12 thế kỷ để chống giặc ngoại xâm. Mất nước là nỗi đau chung của cả dân tộc. Vì vậy, cả dân tộc “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giành độc lập cho Tổ quốc. Và chúng ta đã biến ước mơ ngàn đời của dân tộc trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để độc lập tự do thực sự có ý nghĩa, một lần nữa dân tộc ta phải chung lưng, đấu cật  làm cho đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bởi,  theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chúng ta giành được độc lập tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do của độc lập khi mà dân được độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Hơn 3 thập kỷ sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta đã vượt qua thử thách, có lúc đến nghiệt ngã để tìm ra con đường đổi mới.Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI.

Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tạo thế và lực đảm bảo kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thể hiện trách nhiệm, nâng cao nhận thức, cùng với Đảng và Nhà nước trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; cảnh giác không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

NGUYỄN VĂN THANH