Lê Hồng Phong, người cộng sản kiên cường

04:09, 06/09/2012

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đồng chí Lê Hồng Phong
Đồng chí Lê Hồng Phong

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Văn Dục (sau đổi thành Lê Huy Doãn), sinh ngày 6-9-1902 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xóm Đông Cửa, thôn Đông Thông, tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, là quê hương của nhiều nhà yêu nước vĩ đại, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong đã sớm được nuôi dưỡng bằng bầu máu nóng, lòng nhiệt huyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các thế hệ cha anh. Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất, nhân cách của người cộng sản mẫu mực, kiên cường, tài năng, khí phách hiên ngang và đạo đức trong sáng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt, thủy chung với đồng chí, với quê hương, đất nước.

Đồng chí Lê Hồng Phong có nhiều cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam, trước hết là sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí bôn-sê-vích của đảng viên cộng sản, tinh thần chiến đấu của nhân dân, giữ vững niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng sau những tháng ngày khủng bố trắng của kẻ thù. Đồng chí Lê Hồng Phong quyết định thành lập Ban Lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài) và cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (3/1935).

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong giải quyết tốt những vấn đề trong nước, phù hợp với xu thế của thời đại, thực hiện đường lối cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ khi Đảng ra đời, đó là làm tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc và phong kiến, giải phóng dân tộc, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và bản lĩnh của một người cộng sản chân chính, đồng chí Lê Hồng Phong thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của phong trào cộng sản, phong trào cách mạng Đông Dương trong cao trào 1930 - 1931 cho đến năm 1935 trên diễn đàn Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Ở cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của mình khi nhấn mạnh tất cả các phần tử của tất cả các giai cấp phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả; lợi ích này là lợi ích của tất cả các tầng lớp, tất cả các giai cấp xã hội và đặc biệt là của quần chúng nhân dân rộng rãi.

Hy sinh ở tuổi 40, đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại tấm gương của một người cộng sản kiên cường, luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân và Tổ quốc lên trên hết.

Học tập và noi gương chiến đấu, hy sinh của đồng chí Lê Hồng Phong, trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, với tinh thần người cộng sản và ý thức công bộc của dân, mỗi đảng viên, cán bộ, phải có niềm tự hào chân chính với thế hệ cách mạng cha anh. Máu đào của các liệt sĩ như Lê Hồng Phong đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của thế hệ cách mạng tiền bối và chúng ta nguyện luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, phong cách quần chúng của những người cộng sản như Lê Hồng Phong để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mọi sự cám dỗ về vật chất, địa vị, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà thế hệ cách mạng đi trước đã chuyển lại cho chúng ta.

Đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho chúng ta hôm nay tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, giữ trọn lý tưởng cộng sản, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của quần chúng nhân dân, biết dựa vào dân để đưa cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo. Dù trong gian lao, thử thách và trước cái chết, đồng chí vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Học tập và noi gương đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó và có trách nhiệm với nhân dân, xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa.

TS (Tổng hợp)