Tập huấn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự án kinh tế - chức vụ

01:09, 20/09/2012

(LĐ online) - Hội nghị tập huấn tập trung vào nội dung thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác luận tội, xét hỏi và tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

(LĐ online) - Ngày 20/9, tại Khách sạn Vietsov Petro (số 7, Hùng Vương, Đà Lạt), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự và rút kinh nghiệm về công tác giải quyết án kinh tế - chức vụ. Tiến sĩ Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị gồm Vụ 3, Viện phúc thẩm 1, 2, 3, Vụ hợp tác Quốc tế thuộc VKSND tối cao; đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên của 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào; đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKS Quân sự Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4.

Hội nghị tập huấn tập trung vào nội dung thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác luận tội, xét hỏi và tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; kháng nghị phúc thẩm án hình sự; kinh nghiệm và một số giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ, tranh luận, kiểm sát xét xử tại phiên tòa phúc thẩm hình sự và  kinh nghiệm rút ra qua giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ có yếu tố nước ngoài…

Thực tiễn cho thấy, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là trung tâm của hoạt động tố tụng, giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật vụ án. Vấn đề xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa không chỉ đảm bảo tính dân chủ, công khai còn có ý nghĩa bảo vệ bản cáo trạng, thông qua việc trực tiếp xét hỏi, đưa ra chứng cứ làm sáng tỏ tình tiết vụ án; phân tích chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân, điều kiện, động cơ, mục đích của tội phạm; áp dụng tình tiết tăng năng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, qua đó giúp Hội đồng xét xử ra bản án công minh, đúng pháp luật góp phần phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.

Nhiều ý kiến phát biểu nêu những kinh nghiệm, tập trung làm rõ vướng mắc, bất cập trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án kinh tế- chức vụ; kiến nghị ban hành văn bản dưới luật giải thích rõ một số khái niệm trong quy định của Bộ Luật hình sự liên quan đến chủ thể, khách thể, đối tượng tác động của một số tội phạm về chức vụ như: Khái niệm, phạm vi “cơ quan, tổ chức”, “người có chức vụ, quyền hạn”, “công vụ”; làm rõ đặc điểm, tính chất của tài sản là đối tượng của một số tội phạm về chức vụ, tạo khung pháp lý thống nhất, tránh sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật hình sự.

Thông qua Hội nghị, giúp các Kiểm sát viên VKSND các tỉnh phía Nam nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm về công tác giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế- chức vụ; Hội nghị kết thúc vào ngày 21/9.

TIẾN DÂN