Tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn

03:09, 20/09/2012

Đó là nhận định thẳng thắn được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 19/9.

Đó là nhận định thẳng thắn được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 19/9.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, việc phát hiện tham nhũng và kiến nghị xử lý về hình sự thông qua công tác thanh tra tuy có tăng về số vụ nhưng lại giảm về số đối tượng. Công tác kiểm toán trong năm qua không chuyển vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng sang cơ quan điều tra xử lý hình sự. Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nhưng điều đáng nói hơn là trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng, nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.
 

Vẫn theo Ủy ban Tư pháp, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Trong khi khả năng phát hiện tham nhũng còn yếu thì những vụ tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng lại chưa được xử lý nghiêm. Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp, đa số vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật; án tham nhũng được đình chỉ ở một số địa phương còn cao. Nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn.

Thực tế cho thấy, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao; có nơi việc áp dụng điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%.

Hiến kế phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị: “Năm tới phải lựa chọn khâu đột phá trong công tác này. Tôi cho rằng nên làm mạnh vấn đề trách nhiệm người đứng đầu, cụ thể là người đứng đầu phải từ chức hoặc chịu kỷ luật Đảng nếu để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng trong đơn vị mình phụ trách”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện báo cáo, trình QH thảo luận tại tổ và tại hội trường trong kỳ họp tới. Trích dẫn câu nói của một đồng chí lãnh đạo mà ông tâm đắc, Phó Chủ tịch QH mong muốn: “Công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta phải làm đảm bảo cho các cơ quan quyền lực đều vận hành trong ánh sáng”.

Một số kết quả về phòng, chống tham nhũng

- Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 5,96 tỷ đồng, đã được thu hồi 2,04 tỷ đồng.

- Đã xử lý 2 cán bộ, công chức vi phạm quy định tại Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, thu hồi 12 triệu đồng nộp ngân sách; có 18 cá nhân và tập thể đã nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng theo đúng quy định.

- Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 09 người đã xử lý hình sự, 31 người đã xử lý kỷ luật.

- Số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước: lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của Công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân đã thụ lý kiểm sát điều tra 225 vụ, 450 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%.

(Trích Báo cáo của Thanh tra Chính phủ)


TS (tổng hợp)