Đoàn Đại biểu Quốc hội (đơn vị Lâm Đồng) tiếp xúc với cử tri

10:10, 04/10/2012

(LĐ online) - Tại các điểm tiếp xúc, cử tri đã nghe các Đại biểu Quốc hội báo cáo về chương trình, nội dung kỳ họp thứ IV của Quốc hội khoá XIII (dự kiến sẽ họp từ ngày 22/10 tại Hà Nội) và thông báo khái quát tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2012 của cả nước và của tỉnh.

(LĐ online) - Tại các huyện, thành phía Nam: Trong thời gian từ ngày 2 đến 4/10/2012, Đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XIII (đơn vị tỉnh Lâm Đồng), gồm ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội và ông Lê Văn Học - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã lần lượt tiếp xúc với cử tri xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên), xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh), xã Đạ P’Loa (huyện Đạ Huoai), xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) và xã B’Lá (huyện Bảo Lâm).

Ý kiến của cử tri
Cử tri các địa phương đã mạnh dạn chất vấn và đề đạt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo địa phương và các Đại biểu Quốc hội.


Tại các điểm tiếp xúc, cử tri đã nghe các Đại biểu Quốc hội báo cáo về chương trình, nội dung kỳ họp thứ IV của Quốc hội khoá XIII (dự kiến sẽ họp từ ngày 22/10 tại Hà Nội) và thông báo khái quát tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2012 của cả nước và của tỉnh.  

Cử tri các địa phương đều vui mừng trước những thành quả kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh đã đạt được trong 9 tháng qua. Nhân dịp này, cử tri các địa phương đã mạnh dạn chất vấn và đề đạt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo địa phương và các Đại biểu Quốc hội. Những vấn đề trọng tâm mà cử tri các địa phương quan tâm nêu ra là: Hiện trạng đường giao thông (kể cả quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn) nhiều nơi do chất lượng thi công kém, trong mùa mưa đã bị xuống nghiêm trọng, gây ảnh hướng trực tiếp cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tình hình tai nạn giao thông tuy có giảm (theo báo cáo), nhưng mức độ vẫn còn quá cao, cần phải có quyết sách hữu hiệu hơn nữa để kiềm chế. Công tác quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương tuy được tăng cường, nhưng mức độ giảm không đáng kể; tình trạng chống người thi hành công vụ lại có xu hướng gia tăng. Tình trạng khai thác khoáng sản (cát, đá, cao lanh…) không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng khai thác không đúng quy định còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Riêng tại xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc) việc khai thác cao lanh còn làm ảnh hưởng môi trường, khiến dòng suối Đại Lào bị ô nhiễm, đường sá bị hư hỏng, việc đi lại rất khó khăn. Việc thu hút đầu tư trong thời gian gần đây có chiều hướng chững lại. Các dự án đầu tư liên quan đến rừng triển khai chậm, kém hiệu quả và không ít dự án đầu tư chậm hoặc không tiếp tục đầu tư, nhưng chưa được thu hồi kịp thời. Việc thực hiện đền bù, khi giải toả để triển khai các dự án, đều chậm. Việc đền bù giải toả để xây dựng Trường đại học Tôn Đức Thắng (Bảo Lộc), theo cử tri, vẫn chưa hợp lý vì có sự chênh lệch về giá. Từ đó, người dân chưa thực sự yên tâm để lo cho việc sản xuất vì vẫn phải chờ đợi. Vì sao Dự án nâng cấp, mở rộng đường vận chuyển bauxite Bảo Lâm đến nay vẫn chưa được triển khai và Nhà máy Alumin đến nay vẫn chưa chạy thử có tải? Việc kiểm tra và xử lý các vụ việc vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…) chất lượng kém hoặc giả; vệ sinh an toàn thực phẩm… chưa thường xuyên và biện pháp xử lý chưa đủ “mạnh” để răn đe, giáo dục. Các công trình nước sạch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là các xã thuộc 3 huyện phía Nam, thậm chí một số nơi bà con phải sử dụng nước sông, suối để sinh hoạt…  

Tại các điểm tiếp xúc với cử tri, lãnh đạo địa phương và các sở, ngành của tỉnh đã giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền, liên quan đến địa phương và ngành. Về phía Quốc hội, Đoàn Đại biểu (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) đã tiếp thu và giải trình ý kiến của cử tri; một số ý kiến sẽ trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

XUÂN LONG-HỮU SANG-TUẤN LINH-TRỊNH CHU