Góp ý cho 4 Dự án luật được nhiều giới, nhiều ngành quan tâm

03:10, 11/10/2012

Ngày 10/10, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH khoá XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý cho các Dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực.

Ngày 10/10, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH khoá XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý cho các Dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực, hội thảo đã thống nhất bổ sung các quy định khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực; áp dụng các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo; thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với các hộ gia đình thuộc diện chính sách xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ưu tiên phát triển điện lực phục vụ nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...  

Riêng Dự án Luật Xuất bản (sửa đổi; gồm có 6 chương, 59 điều) quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; lĩnh vực xuất bản; hoạt động in, xuất bản và phát hành phẩm; xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử… Đa số đại biểu đều tán thành nguyên tắc quản lý, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản. Riêng việc xuất bản điện tử, hầu hết đại biểu nhất trí với nhận định của Ban Thường vụ Quốc hội là cần có một chương riêng trong bộ luật, để điều chỉnh hoạt động xuất bản điện tử. Bởi đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, có nhiều thay đổi khó dự báo trước trong thời gian tới. Trong xuất bản điện tử, xuất bản phẩm không cần phải in (nhân bản), mà có thể phát hành ngay trên mạng internet, hoặc việc in diễn ra sau khâu phát hành. Vì kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế, nên Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về phương thức xuất bản và dẫn chiếu các quy định của pháp luật liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh như hiện nay.

Trước đó, ngày 9/10, tại Đà Lạt cũng đã diễn ra hội thảo góp ý cho các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (với 33 điều sửa đổi, bổ sung) và Luật Hợp tác xã (gồm 9 chương, 66 điều) do Đoàn ĐBQH khoá XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng cùng Hội Luật gia tỉnh chủ trì.

Hội thảo đã nghe và thống nhất với nội dung báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Nhiều đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung như, các quy định và nghĩa vụ đối với người nộp thuế, nhất là trong ứng dụng công nghệ thông tin; về hồ sơ khai thuế; thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế; nguyên tắc ấn định thuế, cách xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa… Ngoài ra, một số đại biểu còn đề nghị chỉnh lý một số từ ngữ, nên bỏ cụm từ “thuế nhà đất” và thay bằng cụm từ “thuế từ đất phi nông nghiệp” cho phù hợp với các luật hiện hành.

Đối với dự thảo Dự án Luật Hợp tác xã, hầu hết đại biểu tham dự hội thảo đã nhất trí cao với những quy định của Luật về đối tượng áp dụng, nguyên tắc tổ chức hoạt động; điều kiện thành lập; nghĩa vụ và quyền hạn của xã viên; sự quản lý và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước phù hợp với các điều ước quốc tế và các luật liên quan. Tất cả những ý kiến đóng góp cho các dự thảo Dự án luật và Luật sửa đổi, bổ sung nói trên đã được Đoàn ĐBQH khoá XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và sẽ trình Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp lần thứ 4, dự kiến diễn ra vào ngày 24/10/2012 để Quốc hội xem xét, thông qua.

Thụy Trang