Một bí thư chi bộ thôn

03:10, 02/10/2012

Từ lúc đương chức đến bây giờ, vợ chồng ông lúc nào cũng vui vẻ thân mật với bà con xóm giềng. Vẫn ly chè xanh tươi nguyên mới hái ở bờ rào và vẫn nụ cười tình cảm như xưa.

Ông Đinh Đình Nhiên
Ông Đinh Đình Nhiên

Căn nhà cấp 4 của ông ở mặt tiền Quốc lộ 20 thuộc xã Đại Lào (Bảo Lộc) hàng ngày vẫn có người vào ra. Khách đến nhà ông hầu hết là thường dân. Họ là người làm vườn, chăn nuôi hoặc trồng rau, chạy chợ… Ngày trước, lúc còn làm bí thư chi bộ ở thôn “khách” cũng vẫn thế. Từ lúc đương chức đến bây giờ, vợ chồng ông lúc nào cũng vui vẻ thân mật với bà con xóm giềng. Vẫn ly chè xanh tươi nguyên mới hái ở bờ rào và vẫn nụ cười tình cảm như xưa.

Ông là Đinh Đình Nhiên, sinh năm 1937 tại Ninh Bình. Thời trai trẻ, ông đi B chiến đấu tại miền Đông Nam bộ rồi được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận năm 1969. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được phục viên, vào Bảo Lộc sinh sống từ năm 1988 và làm công tác Đảng liên tục gần 20 năm; trong đó, làm Bí thư chi bộ thôn 2, xã Đại Lào trong suốt 15 năm. Thời còn làm bí thư, nơi nào trong thôn có vấn đề “nóng”, ông đều có mặt, từ việc cháy nhà, việc hiếu hỉ đến việc cuốc hố làm đường… Tiếng nói của ông có lý, có tình, lý giải được cái mà bà con quan tâm.

Được hỏi trong 15 năm liên tục giữ chức vụ bí thư chi bộ, ông đã làm được gì mang lại lợi ích thiết thực cho dân làng, ông trầm ngâm chậm rãi kể lại công việc của mình. “Làm công tác Đảng ở nông thôn, khó có thể vừa lòng 100% ý nguyện của bà con. Từ chuyện con gà chạy lạc, vợ chồng đánh nhau, chuyện mất trộm cà phê trong vườn… rồi đến thực hiện các nghị quyết của Đảng, đều được đưa vào chương trình “nghị sự” của chi bộ. Xóm làng ở chung với nhau, muốn nói người ta nghe được, bản thân gia đình vợ con mình phải gương mẫu. Nếu gia đình mình không ra gì, thì điều mình nói chẳng ai nghe! Làm bí thư không có nghĩa là ngồi nhà để chờ ban thôn thực hiện nghị quyết, mà phải đến tận nơi bàn biện pháp tháo gỡ giúp thôn thực hiện. Đơn cử, như nhà ông Phàm bị cháy, tôi đi vận động bà con “của ít, lòng nhiều” mua gạch, đá giúp đỡ. Hoặc, gia đình ông K nơi khác đến bị bà con nghi mang bệnh AIDS nên xa lánh, kỳ thị, tôi phải đến giải thích theo quy ước tình làng nghĩa xóm. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự khi có người thân mất, chi bộ cũng phải “xoắn tay áo” vào cuộc… Ngoài ra, chi bộ còn chỉ đạo xây dựng được 6 căn nhà tình thương cho con ông Phàm, ông Căn, ông Thủ…; vận động nhân dân làm được 2 cây cầu mới cho bà con đi lại dễ dàng bằng tiền quyên góp. Trước khi nghỉ làm bí thư, tôi cũng đã kêu gọi bà con tham gia làm con đường vào ở xóm 6 để Nhà nước kéo điện vào… Thật tình, tôi không nhớ hết được những điều mình đã làm để mang lại cho dân. Nhưng, tôi nhớ rất kỹ là làm công việc gì có dính líu đến tiền bạc của bà con đóng góp, tôi không bao giờ “chấm mút” đồng xu nào. Chính vì vậy, cho đến bây giờ đã nghỉ làm công tác chi bộ, bà con còn thương, vẫn đến nhà thăm chơi, gặp nhau vẫn vui vẻ hỏi han!...”.

Năm 2011, vì tuổi cao, không làm bí thư chi bộ nữa, ông ở nhà cùng vợ nuôi con thỏ, con gà và trồng rau, chạy chợ vừa có thu nhập, vừa có niềm vui. Điều ông vui nhất, là bà con, xóm làng vẫn còn nhớ đến mình - ông Bí thư Nhiên, thường đi chiếc xe đạp cũ kỹ đến từng xóm, từng nhà để lo việc cho dân, cho Đảng.

TRẦN ĐẠI