Đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng trong giai đoạn hiện nay

03:11, 11/11/2012

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 27-CT/TU của BTV Tỉnh uỷ về tăng cường và nâng cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của ngành đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 27-CT/TU của BTV Tỉnh uỷ về tăng cường và nâng cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của ngành đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Đ/c Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Ảnh: Văn Báu
Đ/c Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Ảnh: Văn Báu


Có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 27, nhận thức của đa số các cấp uỷ Đảng, ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được nâng lên. Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác lịch sử Đảng được sâu sát hơn, một số cấp uỷ đã tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết cho công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương. Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác nghiên cứu sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ, truyền thống ngành đã đạt được nhiều kết quả: Nổi bật là 2 công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 1930-1975, xuất bản năm 2008 và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 1975-2005, xuất bản năm 2010. Đảng bộ các huyện, thành uỷ, đảng uỷ đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản được gần 50 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, như: Huyện uỷ Cát Tiên 10 công trình; Huyện uỷ Lâm Hà 4 công trình; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 4 công trình; Huyện uỷ Đơn Dương 2 công trình; Huyện uỷ Di Linh 2 công trình; Thành uỷ Đà Lạt 2 công trình; Huyện uỷ Đạ Huoai 2 công trình; Huyện uỷ Lạc Dương 3 công trình; Huyện uỷ Bảo Lâm 5 công trình…

Các ban, ngành, đoàn thể đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản được nhiều công trình tiêu biểu như Lịch sử Tiểu đoàn 840 trên chiến trường cực Nam Trung bộ - Nam Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); Lịch sử Công an Lâm Đồng 1975-1996, Biên niên sự kiện lịch sử Công an Lâm Đồng 1945-2010 (Công an tỉnh); Giáo trình lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (Trường Chính trị tỉnh)… Ngoài ra, còn nhiều công trình tiêu biểu đang trong quá trình hoàn thành để xuất bản trong năm 2012: Lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Đồng 1945-2010; lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đam Rông 1954- 2010, lực lượng vũ trang nhân dân TP Đà Lạt, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Lâm Hà…

Nhìn chung, các công trình đã biên soạn, xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính khách quan và tính khoa học. Trong quá trình biên soạn, nhiều cán bộ chủ chốt, cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử đã tích cực tham gia. Nội dung thể hiện rõ những yếu tố đặc thù của địa phương, gắn kết chặt chẽ với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng của dân tộc. Nhiều công trình chú ý tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm ở từng địa phương, góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng trong sự nghiệp đổi mới cũng như tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp tổ chức hàng chục cuộc tiếp xúc, gặp mặt nhân chứng, sưu tầm được hàng ngàn trang tư liệu lịch sử, tranh ảnh, hiện vật có giá trị qua hai cuộc kháng chiến và xây dựng bảo vệ Tổ quốc; tổ chức trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, còn đầu tư phục dựng căn cứ cách mạng, xây dựng công trình tượng đài, công viên, nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử tiêu biểu đã diễn ra… Trường Chính trị tỉnh, các trường phổ thông, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong tỉnh đã tổ chức biên soạn giáo trình, đưa nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương vào giảng dạy. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, bồi dưỡng ý chí, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác lịch sử Đảng ở một số cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự sâu sắc, đầy đủ. Đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng còn thiếu và chưa thật ổn định. Việc đầu tư ngân sách cho công tác này, nhất là ở cấp cơ sở còn rất hạn chế. Công tác giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của ngành vẫn chưa thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục tình trạng trên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW và Chỉ thị 27-CT/TU, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, là trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Sử dụng có hiệu quả các kênh thông tin, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú để tăng cường hiệu quả các ấn phẩm. Tiếp tục sưu tầm, bổ sung các sự kiện vào lịch sử Đảng bộ các cấp. Mỗi cơ quan, đơn vị cần có phòng truyền thống, trình bày tóm tắt về lịch sử của ngành, địa phương mình. Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, có tâm huyết gắn bó với nghề. Thường xuyên phát động và tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quê hương cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

HỒ LAN