Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII

04:11, 20/11/2012

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, ngày 19/11/2012, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật đất đai sửa đổi, (được phát thanh, truyền hình trực tiếp). ĐBQH Touneh Drong Minh thắm tham gia phát  biểu ý kiến, tập trung vào các nội dung có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số:

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, ngày 19/11/2012, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật đất đai sửa đổi, (được phát thanh, truyền hình trực tiếp). ĐBQH Touneh Drong Minh thắm tham gia phát  biểu ý kiến, tập trung vào các nội dung có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số:

Nước ta là nước nông nghiệp, khoảng 70% dân số là nông dân, trên 90% lao động người DTTS sinh sống bằng nghề nông, vì thế đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại kỳ họp
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại kỳ họp


Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS; tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát thì mức sống đồng bào DTTS vẫn còn thấp so với nhóm dân tộc đa số, về kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đất sản xuất, một trong những nguồn lực quan trọng nhất đối với đồng bào vẫn chưa được giải quyết thoả đáng, các hộ DTTS có đất vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực này. Trong khi đó các chính sách, pháp luật về đất đai chưa phù hợp với các đặc điểm sử dụng đất truyền thống của các nhóm DTTS là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống xã hội như xung đột đất đai, sử dụng không hiệu quả - bởi vậy, để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững thì chính sách đất đai cần tuân thủ các quan điểm: Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng đất cho đồng bào DTTS. Tôn trọng giá trị truyền thống và đặc điểm của đồng bào DTTS. Tạo cơ hội cho các nhóm DTTS  thích nghi và hưởng lợi từ cơ chế thị trường, giảm bất ổn xã hội.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, số đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất khá lớn (558.485 hộ), nhưng với quyết tâm cao, trong thời gian 10 năm, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 333.995 hộ, (trong đó 148.058 hộ được hỗ trợ đất ở, 185.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất), kết quả này là tiền đề quan trọng, căn bản, bảo đảm cho các hộ DTTS nghèo ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng biên cương của tổ quốc.

Đối với Luật đất đai, đề nghị cụ thể như sau:

- Khuyến khích giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất sinh hoạt của cộng đồng, đất tôn giáo, văn hoá cho thôn đồng bào DTTS quản lý và sử dụng – xem xét giao đất vĩnh viễn và tăng hạn mức giao đất cho các tập thể này – thu hồi đất nông, lâm nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả để giao cho các hộ gia đình và cộng đồng DTTS có nhu cầu và khả năng sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

- Miễn giảm tiền sử dụng đất ở, tiền thuế đất nông nghiệp cho hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

- Bảo đảm hoàn thiện việc đo đạc, vẽ bản đồ, phân định đất nông lâm và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS  trong thời gian sớm nhất.

- Miễn giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ DTTS, thành lập tổ chức hỗ trợ pháp lý cho đồng bào DTTS trong những trường hợp tranh chấp đất đai.

- Tại điều 10, đề nghị bổ sung các nội dung, quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng trong lĩnh vực đất đai cụ thể: Nhà nước có chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

- Tại điều 15, đề nghị bổ sung các quy định: Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới.

- Đối với các loại đất thuộc diện được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước (giao đất không thu tiền), chỉ được mua bán, chuyển đổi, tặng cho khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, đề nghị ghi rõ thêm: Việc mua, nhận, chuyển nhượng đất do nhà nước hỗ trợ cho đồng bào DTTS là trái pháp luật, sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định. Giao chính phủ có quy định riêng.

- Về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, tại điều 28 và điều 96, đề nghị: Cần quy định cụ thể các biện pháp để thực hiện chính sách này, đối với địa phương không còn quỹ đất thì cần cố gắng bố trí đất ở và có các biện pháp giải pháp tạo việc làm, ổn định đời sống lâu dài cho người dân.

- Về thu hồi đất, đề nghị: Bổ sung các quy định cụ thể và các điều kiện thu hồi đất, chuẩn bị trước nơi tái định cư, quy định rõ cơ chế ưu tiên về đền bù, tái định cư khi nhà nước thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình theo quy hoạch.

Trong những ngày tới Quốc hội sẽ tiếp tục họp tại Hội trường để thông qua các dự luật như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật phòng chống tham nhũng, Luật quản lý thuế… Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

BÙI GIA QUÂN