Chuyển biến mới trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

10:12, 20/12/2012

(LĐ online) - Với 10 huyện và 2 thành phố, Lâm Đồng hiện có 148 xã, phường và thị trấn. Năm 2012, Cấp ủy và Ban chỉ đạo QCDCOCS các huyện, thành tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện đã có 82/148 cấp ủy xã, phường, thị trấn ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế.

(LĐ online) - Xác định lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCOCS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, từ đó trong chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện. Trong đó, đặc biệt là đối với việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; do đó đã tạo nên chuyển biến mới.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng
Lãnh đạo tỉnh khảo sát xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng


Với 10 huyện và 2 thành phố, Lâm Đồng hiện có 148 xã, phường và thị trấn. Năm 2012, Cấp ủy và Ban chỉ đạo QCDCOCS các huyện, thành tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện đã có 82/148 cấp ủy xã, phường, thị trấn ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế.

Qua khảo sát, kiểm tra cho thấy về cơ bản chính quyền các xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện tương đối nghiêm túc những nội dung công khai cho dân biết theo quy định của Pháp lệnh. Đa số đều tổ chức niêm yết công khai các nội dung: quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án, công trình đầu tư tại cơ sở, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các loại thủ tục hành chính và các loại phí, lệ phí, các quy định về chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn. Việc phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở trong việc bàn bạc, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề như dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị; xây dựng quy ước (hương ước) tự quản ở cộng đồng dân cư; bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, thành viên Ban Thanh tra nhân dân… được tổ chức công khai, dân chủ.

Đối với những quy định tại Điều 10 – Pháp lệnh được vận dụng cụ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân tự bàn bạc thảo luận quyết định trực tiếp những công việc thuộc nội bộ cộng đồng như chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Hầu hết các cuộc họp tổ chức thực hiện chu đáo, thường xuyên có sự tham gia đông đảo của nhân dân, tỷ lệ hộ gia đình tham gia trên 80%.

Việc củng cố, kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở 100% xã, phường, thị trấn được thường xuyên quan tâm. Năm 2012 đã tổ chức giám sát họat động bộ máy chính quyền cấp xã trong việc thực hiện DCOCS; tổ chức kiểm tra, giám sát nhiều công trình đầu tư, xây dựng tập trung vào những lĩnh vực như đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết… Qua kiểm tra giám sát có hàng trăm kiến nghị với chính quyền, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét khắc phục kịp thời những sai sót, thất thoát trong quá trình đầu tư, xây dựng. Hầu hết các công trình vốn nhà nước và nhân dân cùng làm, vốn do nhân dân đóng góp được giám sát chặt chẽ và rất có hiệu quả.

Trong qua trình thực hiện QCDCOCS, điều đáng ghi nhận là công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ. Có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa với 12 đến 34 thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong giao dịch hành chính. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Lãnh đạo HĐND, UBND nhiều xã, phường, thị trấn bố trí tiếp dân 2 ngày/tuần; giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền theo luật định đạt trên 92% số đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Việc phối hợp thực hiện QCDC được các địa phương triển khai thường xuyên nên đã có sự thống nhất cao trong chỉ đạo thực hiện và giám sát quá trình thực hiện. Đến nay có 112/148 đơn vị xây dựng được Quy chế phối hợp công tác giữa chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể. Nổi bật là việc phối hợp tuyên truyền về nông thôn mới, huy động sức dân và doanh nghiệp đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, việc thực hiện QCDCOCS đối với xã, phường, thị trấn trong tỉnh vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế. Thể hiện: Hoạt động của phần lớn Ban Chỉ đạo chưa thường xuyên, hiệu quả và chất lượng chưa cao. Chưa tích cực chủ động nghiên cứu tìm hiểu tình hình, kết quả thực tế thực hiện dân chủ ở địa phương để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời, nhất là việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Nhiều thành viên thiếu nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Một số nơi chưa gắn thực hiện QCDC với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, còn triển khai đơn lẻ; nhất là việc phối hợp triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới còn thiếu tính đồng bộ, chặt chẽ, chưa tạo ra được phong trào rộng lớn có sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân…

Khắc phục tình trạng trên, thời gian tới cần có sự tăng cường phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể với chính quyền các xã, phường, thị trấn trong công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết về QCDC cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp vận động thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện, phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội trong thực hiện QCDCOCS.

Bình Nguyên