Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều ưu điểm

03:01, 22/01/2013

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra ngày 21/1, tại TP Đà Lạt.

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra ngày 21/1, tại TP Đà Lạt. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nội dung sâu rộng, trình bày súc tích. Trong đó, ưu điểm được đề cập nhiều nhất là dự thảo Hiến pháp lần này đã chú trọng hơn đến quyền con người, với việc có hẳn một chương – Chương II quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, trong đó có những điều, khoản phù hợp với đời sống hiện nay như một số nội dung của điều 26 “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng cần hệ thống lại các chương, điều, khoản có liên quan đến vấn đề quyền con người thành một chương cho gọn ghẽ và súc tích hơn. Đáng chú ý, đại diện một số ban, ngành khối tư pháp của tỉnh đã mạnh dạn đề nghị nên tách Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân ra thành 2 chương chứ không để chung trong Chương VIII như dự thảo. Các ý kiến này cho rằng chỉ có toà án mới là cơ quan tư pháp, còn viện kiểm sát không phải là cơ quan tư pháp mà chỉ thực hiện quyền công tố, do đó nên chuyển viện kiểm sát sang trực thuộc Chính phủ. Một số ý kiến khác đề nghị nên lấy tên Hiến pháp 2013 cho bản Hiến pháp lần này chứ không nên lấy tên Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2013); nên có hẳn một chương về Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không chỉ là một điều như hiện nay; nên đưa Luật Đất đai vào chương I để khẳng định bản chất của nhà nước ta… Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng dự thảo Hiến pháp cần quy định rõ hơn về cơ chế kiểm soát giữa 3 hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp bởi đây là đòi hỏi chính đáng của nhân dân đối với hoạt động của 3 hệ thống này.

Theo Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng, hội nghị này là một trong các cuộc lấy ý kiến rộng rãi của đại diện các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đang công tác tại các trường đại học trên địa bàn, của giới doanh nghiệp trong tỉnh; tổ chức hội nghị chuyên đề lấy ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh.

THỤY TRANG