Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

04:02, 17/02/2013

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn...

Trên chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc (1954 – 1975), dân tộc Việt Nam đã buộc phải đương đầu với đế quốc Mỹ – một cường quốc hàng đầu của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một “đôminô” trong tính toán chiến lược của Mỹ. Trong suốt quá trình đó, Mỹ đã thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, thay đổi nhiều chiến lược chiến tranh, bỏ ra nhiều tiền của và công sức hòng khuất phục đối phương. Tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ, là cả một quá trình đầy sáng tạo, rất mưu lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với hiệu quả chiến lược của nó, là một thành công lớn trong quá trình này.

a. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bằng cuộc tiến công đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Và quá trình đó là không thể đảo ngược cho dù phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ mùa xuân 1968.

Sau một tháng, tướng Oétmolen, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara từ chức. Sau 2 tháng, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố ba điểm: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; đồng ý đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nữa… Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ những năm 60. Đến tháng 5/1968, Mỹ phải bắt đầu đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dù chưa đạt được yêu cầu của khả năng thứ nhất theo dự kiến ban đầu; và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được cục diện đó cho phép chúng ta tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969: “Vì độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”.

b. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta tiêu diệt, tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền, đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh.

Lần đầu tiên, trên chiến trường miền Nam, ta tiến công vào hàng loạt thành thị lớn nhỏ, kể cả thành phố Sài Gòn, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não và chính trị, quân sự của Mỹ – nguỵ, vào hậu phương trọng yếu của chúng, phá tan kế hoạch bình định của địch, giải phóng thêm nhiều vùng nông thôn với hàng triệu dân, phá hơn một nửa số “ấp chiến lược” của địch… mở rộng và củng cố hậu phương của ta, tăng thêm nguồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Quân giải phóng miền Nam mở cuộc tổng tiến công rộng lớn, đồng loạt, gây cho Mỹ tổn thất nặng, trong khi chỉ sử dụng một bộ phận lực lượng không nhiều; ghìm chặt đội quân đông hơn 1 triệu 20 vạn tên vào mặt trận đô thị; tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá huỷ, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá rã chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị địch trên quy mô toàn miền; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng ở miền Nam.

Trên miền Bắc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện, tiếp tục đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, bảo đảm giao thông thông suốt trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt, tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh.

Trên thế mạnh của tiến công quân sự và tiến công chính trị trên chiến trường, chúng ta đã đẩy mạnh tiến công ngoại giao, buộc địch phải đàm phán với ta ở Pari, làm cho địch càng bị động, cô lập và mâu thuẫn trong nội bộ, mâu thuẫn giữa Mỹ - nguỵ càng gay gắt.

Thắng lợi to lớn và quan trọng nhất là chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh, thể hiện tập trung ở những mặt sau đây:

Về mặt thêm chiến lược: Thế chiến lược của địch đã bị đảo lộn và càng lún sâu vào phòng ngự bị động. Kế hoạch chiến lược "tìm diệt và bình định" năm 1968 chưa kịp triển khai đã phải vứt bỏ; địch đã phải bị động chuyển một cách đột ngột sang chiến lược "quét và giữ". Chiến lược này ngay khi mới đưa ra đã bị đánh bại bước đầu, thế chiến lược của ta càng vững mạnh. Ta đã đưa chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng lên một bước mới tạo ra thế tiến công, bao vây địch trên tất cả các chiến trường, nhất là trên mặt trận thành thị.

Về mặt lực lượng: Sự so sánh lực lượng địch ta đã biến đổi một bước quan trọng có lợi cho ta.

Lực lượng quân sự Mỹ - nguỵ kể cả sinh lực và phương tiện chiến tranh đã bị tổn thất nặng nề, tinh thần chiến đấu của địch càng sa sút. Đặc biệt, hiệu lực chiến lược của quân Mỹ và quân nguỵ trong thế chiến lược phòng ngự bị động càng giảm sút rõ rệt. Những mâu thuẫn, khó khăn và bế tắc của chúng về số quân, về chất lượng, về cách đánh càng gay gắt và trầm trọng.
 

(còn nữa)