Một năm với “ông nghị nói nhiều”

03:02, 05/02/2013

Gần hết năm 2012, “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền của Lâm Đồng vừa họp phiên toàn thể Quốc hội về liền đi tiếp xúc cử tri. Xong lại bay ra Hà Nội dự họp với tư cách là Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Rồi sáng sớm hôm sau ở Đà Lạt lại chuẩn bị đi bàn giao căn nhà tình nghĩa… Tôi phải “mai phục” nhiều lần mới “chặn” hẹn được “ông nghị” Thuyền ngồi tiếp chuyện gần hết một buổi chiều Đà Lạt lập xuân.

Gần hết năm 2012, “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền của Lâm Đồng vừa họp phiên toàn thể Quốc hội về liền đi tiếp xúc cử tri. Xong lại bay ra Hà Nội dự họp với tư cách là Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Rồi sáng sớm hôm sau ở Đà Lạt lại chuẩn bị đi bàn giao căn nhà tình nghĩa… Tôi phải “mai phục” nhiều lần mới “chặn” hẹn được “ông nghị” Thuyền ngồi tiếp chuyện gần hết một buổi chiều Đà Lạt lập xuân.

“Ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền (người đứng) trong một buổi tiếp xúc cử tri
“Ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền (người đứng) trong một buổi tiếp xúc cử tri


Một năm Quốc hội tổ chức 2 kỳ họp toàn thể. Kỳ họp lần thứ nhất trong năm 2012 kéo dài 1 tháng - từ tháng 5 đến tháng 6, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia hơn 20 ý kiến thảo luận về các chương trình ưu tiên cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... về xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống thu nhập từ quản lý, bảo vệ rừng… Đến phiên chất vấn, Đoàn Lâm Đồng nêu 5 ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về làm thế nào để nâng cao hiệu quả triển khai của mô hình “4 nhà”; với Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội về các chính sách pháp luật đối với người có công… Một trong những nội dung ý kiến mà Quốc hội đã ghi nhận và yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện là tổ chức thi công các công trình thuỷ lợi lớn, mang tính chiến lược phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh của Lâm Đồng.

Kỳ họp lần thứ 2 diễn ra 1 tháng - từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2012, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 15 ý kiến thảo luận và chất vấn trực tiếp, gồm những bức xúc nảy sinh từ thực tiễn các lĩnh vực thủ tục hành chính còn phiền hà người dân, về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhà nước, về thực trạng thua lỗ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, về các giải pháp phòng chống tham nhũng, chống hàng giả, hàng lậu… Đặc biệt, “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền đã có nhiều ý kiến,̉ trong đó có ý kiến chất vấn Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đột phá để sớm khắc phục những thất thoát, yếu kém, hạn chế của những tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ; về những giải pháp phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới. Trước đó, trong phiên thảo luận về sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản là những người thân trong gia đình của những cán bộ đương chức, đương quyền các cấp từ địa phương đến trung ương. Và “ông nghị” Thuyền cũng kiến nghị nên bãi bỏ quy định trích lại phần trăm khoản tiền thu phạt vi phạm giao thông cho cảnh sát giao thông. Bởi cứ như vậy sẽ dễ phát sinh tình trạng lạm quyền của cảnh sát giao thông để tìm cách “tận thu” nguồn tiền xử phạt, tăng thêm thu nhập cho bản thân mình; nếu cảnh sát giao thông quá khó khăn thì nên cân đối trích ngân sách để bồi dưỡng theo các chế độ quy định khác…

Nhắc lại lời chất vấn gây xôn xao dư luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rằng, Bộ trưởng là tư lệnh ngành mà không thể nắm rõ hết về ngành thì… ai làm Bộ trưởng cũng được, “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền kể: “Đầu tiên cũng có nhiều ý kiến phản ứng trái chiều với tôi. Nhưng về sau này, với những đề xuất ban hành chính sách không phù hợp thực tế từ Bộ Giao thông vận tải như: Thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân; đổi giờ học, giờ làm, xây mới trụ sở Bộ Giao thông, xử phạt xe không chính chủ… đã khiến tôi nhận được ngày càng nhiều ý kiến cùng chia sẻ của “đại biểu đồng nghiệp” và của cử tri trong nước…”.

Nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2016, nhưng việc chuẩn bị để được nói nhiều trước nghị trường ở thời gian gần nhất là tháng 5/2013. “Tôi là một trong bảy đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng hứa sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc cử tri trên địa bàn, tập hợp những ý kiến cử tri về những vấn đề, lĩnh vực trọng tâm nhất, bức bách nhất của tỉnh Lâm Đồng và của cả nước để thảo luận, chất vấn trước Quốc hội, góp phần xây dựng bộ máy giám sát, điều hành của Quốc hội, của Chính phủ ngày càng vững mạnh hơn, hiệu quả hơn, phục vụ cho dân được tốt hơn…” - “ông nghị” Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ trách nhiệm của mình.

VŨ VĂN