Người đảng viên 70 năm tuổi Đảng

03:02, 03/02/2013

Tuy tuổi đã cao, nhưng đảng viên lão thành cách mạng Nguyễn Xuân Khanh vẫn còn khoẻ, cuộc đời hoạt động cách mạng suốt hơn 70 năm qua hết lòng vì Đảng, vì dân, vì nước.

Đó là cụ Nguyễn Xuân Khanh (Năm Khanh) tức Nguyễn Hữu Hồ, quê ở Tam Giang (Nguyễn Chỉ), huyện Núi Thành (Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam. Xuân Quý Tỵ này, cụ Năm Khanh bước vào tuổi 89 và gắn bó với sự nghiệp của Đảng 70 năm. Tuy tuổi đã cao, nhưng đảng viên lão thành cách mạng Nguyễn Xuân Khanh vẫn còn khoẻ, cuộc đời hoạt động cách mạng suốt hơn 70 năm qua hết lòng vì Đảng, vì dân, vì nước.

Bí thư Tỉnh ủy trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành Nguyễn Xuân Khanh
Bí thư Tỉnh ủy trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành Nguyễn Xuân Khanh


Cụ Năm Khanh kể cho chúng tôi nghe vào những năm đầu thế kỷ 20, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, nhân dân Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng phải chịu trăm bề khổ cực. Nhận thức được nỗi khổ của người dân mất nước, lại được các bậc tiền bối giác ngộ, cụ Năm Khanh hiểu thế nào là phong trào giải phóng dân tộc, thế nào là quốc tế cộng sản. Đầu năm 1940, người thanh niên Nguyễn Xuân Khanh tham gia hoạt động cách mạng tại quê hương mình với nhiệm vụ Tổ trưởng thanh niên phản đế, Tổ trưởng tự vệ, liên lạc của chi bộ xã, đưa đón, bảo vệ phái viên thượng cấp đi lại, nuôi giấu, ăn ở, làm việc trong nhà cha mẹ (các đồng chí Võ Chí Công Bí thư Tỉnh uỷ, Nguyễn Sắc Kim và Trương Chí Cương - Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ).

Ngày 20/2/1943, được kết nạp Đảng. Trong thời gian từ tháng 1/1943 đến tháng 2/1944, địch khủng bố phong trào ngày càng ác liệt, cơ sở bị bể vỡ, đảng viên trong chi bộ và các đồng chí trong Phủ uỷ, Tỉnh uỷ lần lượt bị bắt tù đày. Lúc này, cụ đảm nhận trách nhiệm xây dựng lại cơ sở, ổn định tinh thần, tư tưởng quần chúng, tìm mọi cách móc nối liên lạc với các đồng chí bị giam trong các nhà tù Hội An, Buôn Mê Thuột, Phú Bài vượt ngục hoạt động.

Đầu tháng 3 năm 1944, cụ đón nhận các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế từ nhà tù Buôn Ma Thuột đưa ra nhà tù Phú Bài nhảy tàu lửa về lập lại hệ thống lãnh đạo của Đảng uỷ từ xã lên Tổng uỷ, Phủ uỷ, Tỉnh uỷ bắt liên lạc với Xứ uỷ và Trung ương. Gia đình cụ là nơi Hội nghị thành lập lại Tỉnh uỷ Quảng Nam và là cơ quan bí mật của Tỉnh uỷ làm việc ra tiếp tờ báo Cờ Độc lập -  số 11 bị gián đoạn sau khi đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí Tỉnh uỷ, Phủ uỷ bị địch bắt tù đày từ tháng 10 năm 1943. Cụ từ làm Bí thư chi bộ xã Diêm Trường rồi Bí thư Tổng uỷ An Hoà, Phủ uỷ viên Phủ Tam Kỳ đến tháng 5 năm 1945 thoát ly gia đình phụ trách giao thông liên lạc của Tỉnh uỷ Quảng Nam. Trong những ngày diễn ra Cách mạng Tháng Tám, cụ tham gia Khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh tại thị xã Hội An ngày 18/8/1945 thắng lợi, Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh cử đi liên lạc với Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, cụ bị phát xít Nhật bắt tra tấn dã man suốt mấy ngày đêm, nhưng cụ không hề khai báo, đầu hàng. Đến 5/9/1945, chính quyền Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi giải thoát đưa về Tỉnh uỷ Quảng Nam.

Từ tháng 6/1947 đến 6/1953, cụ là cán bộ kiểm tra Tỉnh uỷ Quảng Nam, rồi Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Tam Kỳ phụ trách dân vận với nhiều hoạt động trong Mặt trận Liên Việt và làm chính trị viên Huyện Đội Tam Kỳ,…

Từ tháng 6/1953 đến tháng 4/1959, cụ được cử ra miền Bắc với nhiều trọng trách như đi phát động quần chúng giảm tô tại Nghệ An, cùng với các đồng chí Khu uỷ 5 học tập kinh nghiệm lãnh đạo du kích chiến tranh trong vùng bị chiếm tỉnh Hà Đông – Nam Định; tham gia tiếp quản thị xã Bắc Ninh, Bắc Giang; tiếp quản thủ đô Hà Nội, quyền Bí thư nông hội ngoại thành, Phó trưởng ban Nông thôn Thành uỷ Hà Nội, Uỷ viên MTTQVN thành phố Hà Nội.

Lại một bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của cụ đó là từ tháng 5/1959, cụ được cử trở lại miền Nam, bổ sung Thường vụ Huyện uỷ Tam Kỳ đến tháng 1 năm 1960 trúng cử Tỉnh uỷ viên chính thức Tỉnh uỷ Quảng Nam, làm Bí thư Huyện uỷ Tam Kỳ, một huyện điểm của Liên khu 5, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 Trung ương. Trong những ngày chiến tranh khốc liệt (3/1961 – 7/1961), Liên Khu uỷ 5 điều cụ vào Liên tỉnh 4 (Nam Tây Nguyên) làm Đội trưởng Đội công tác mở phong trào xây dựng cơ sở huyện Đức Trọng, nối thông đường hành lang Bắc Nam vào chiến khu Đ Đông Nam Bộ, làm Bí thư Ban cán sự huyện trực thuộc Liên tỉnh 4. Từ tháng 8/1961 đến tháng 10/1964, thành lập tỉnh Tuyên Đức – Đà Lạt, là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách Dân vận, Kinh tài, hành lang. Từ đây đến tháng 3/1975, cụ giữ các cương vị Phó trưởng ban Giao bưu vận Khu 6, trực tiếp chỉ đạo ngành hành lang Khu; Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Nam Quảng Đức trực thuộc Khu uỷ 10; Chánh Văn phòng Khu uỷ 10, Trưởng ban Công tác vùng yếu, Phó trưởng Ban Tuyên huấn Khu uỷ; Phó trưởng Ban Binh vận Khu uỷ 6, trực tiếp chỉ đạo ngành binh vận Khu. Rồi cái ngày cả dân tộc mong đợi đã đến, đó là ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cụ được giao nhiệm vụ Quyền Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Đức (4/1975 đến 12/1975). Từ tháng 1/1976 đến 1986, cụ là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng các khoá I, II, III với nhiều cương vị khác nhau: Trưởng ban Dân vận, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Đà Lạt. Cụ được vinh dự là đại biểu tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội toàn quốc lần thứ IV và V của Đảng. Từ năm 1987 đến nay, nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, cụ vẫn tích cực tham gia công tác phường như Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Cụ luôn được trân trọng đánh giá cao là hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu; gia đình văn hoá, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ luôn giữ mối quan hệ mật thiết với cấp uỷ chính quyền từ phường đến tỉnh với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí xây dựng, đoàn kết. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong quan hệ với đồng chí dù lúc đương chức cũng như khi về đời thường, cụ sống trong tình thương, lẽ phải, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, thực sự tôn trọng các đồng chí đương chức, động viên phát huy người kế thừa, lớp trẻ, tin tưởng ở lớp trẻ.

Với quá trình cống hiến của mình, cụ được nhận các danh hiệu 40, 50, 60, 70 năm tuổi Đảng. Ngay từ 1955, cụ đã được Uỷ ban Quân chính và Hành chính Hà Nội khen thưởng. Từ 1957 đến 2006, cụ được tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Thành Đồng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc; Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Chiến sĩ thi đua Ngành Hành chính; nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương trên các lĩnh vực, trong đó có Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Là một người lạc quan, yêu đời, cụ Năm Khanh có nếp sống giản dị, lành mạnh, luôn rèn luyện để kéo dài tuổi thọ. Cụ luôn mong ước thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hãy tiếp bước cha ông, bản thân cụ sẽ tiếp tục phấn đấu vì Đảng, vì dân. Cụ được Đảng uỷ Phường I, thành phố Đà Lạt nhận xét: “Rất nhiệt tình, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Đối với địa phương, có tinh thần xây dựng đoàn kết nội bộ. Hàng năm được bầu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gia đình gương mẫu. Có quan hệ mật thiết với nhân dân, được quần chúng nhân dân tin yêu”.

KIỀU MINH