Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp

03:02, 15/02/2013

Trong những tháng đầu năm 2013 và mùa Xuân Quý Tỵ này, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong những tháng đầu năm 2013 và mùa Xuân Quý Tỵ này, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều đáng nói là trong Dự thảo sửa đổi lần này, Hiến pháp tiếp tục khẳng định một chân lý tại Điều 4, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
 

Bác Hồ tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (tháng 2/1960)
Bác Hồ tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (tháng 2/1960)

Thật vậy, hơn 83 năm qua cả dân tộc Việt Nam không ai không biết chính Đảng Cộng sản Việt Nam - được gọi bằng hai chữ trìu mến “Đảng ta” - đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và hơn 25 năm qua công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng đã đem đến cho đất nước chúng ta biết bao điều đổi thay. Dù vẫn còn những khó khăn, trở ngại song nhân dân Việt Nam ngày càng tin tưởng vào Đảng và cùng nhau phấn đấu nỗ lực vươn tới tương lai ngày càng tươi sáng. Do vậy, trước những luận điệu xuyên tạc và chống phá của những kẻ đang lẻ loi muốn đi ngược lại nguyện vọng của cả dân tộc là phải xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp nói trên thì tất cả những người yêu nước chân chính lại tích cực tham gia góp ý mà đặc biệt là tiếp tục khẳng định phải giữ Điều 4 nói trên và bổ sung thêm những điều rất sâu sắc và có ý nghĩa như “đồng thời là đội tiên phong… của dân tộc Việt Nam” hoặc “đại biểu trung thành lợi ích… của cả dân tộc”. Cũng chính tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 việc bổ sung nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” đã xác định trách nhiệm của Đảng là phải nghiêm khắc nhận ra và quyết tâm khắc phục cho bằng được một trong những thiếu sót, nhược điểm trong đó có tồn tại trong việc thực hiện mối quan hệ truyền thống máu thịt giữa Đảng và nhân dân mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã chỉ rõ và việc bổ sung thêm “…đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” cũng chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng loại trừ thói quan liêu, xa rời quần chúng, tham nhũng, lãng phí, hách dịch là những tật xấu của những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thậm chí đã và đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…

Bên cạnh việc khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng như trên đã nêu, Lời mở đầu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn nêu lên một nội dung quan trọng mà lịch sử đất nước ta đã từng ghi nhận. Đó là: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công…” và tiếp tục quy định: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định…” mà Cương lĩnh đó chính là Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra. Chính mục tiêu, phương hướng mà Đại hội XI của Đảng đã xác định cũng được nêu lên trong Điều 9 là “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

Còn đối với Nhà nước cũng như các cơ quan trong bộ máy Nhà nước thì bản chất luôn luôn được khẳng định là “xã hội chủ nghĩa” (XHCN) và như vậy là đi theo đúng con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội - giai đoạn đầu tiên của “Chủ nghĩa Cộng sản là mùa xuân của nhân loại” như nhà thơ, nhà chính luận, nhà cách mạng Pháp nổi tiếng Pônvayăng Cuturiê (Paul Vaillant Couturier) đã từng nói, đó cũng chính là sự lựa chọn sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu. Điều đó được thể hiện trong các điều: “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” tại Điều 3; “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” tại Điều 74; "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại” tại Điều 91; “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” tại Điều 99; “ôToàán Nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thực hiện quyền tư pháp” tại Điều 107 và “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” tại Điều 70…
 

Đà Lạt vào xuân. Ảnh: N.Minh
Đà Lạt vào xuân. Ảnh: N.Minh

Đối với chế độ chính trị, Điều 9 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài” mà nếu chỉ nói “tổ chức chính trị” thôi tức là đã xác định ở đất nước chúng ta chỉ có một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, tính chất “xã hội chủ nghĩa” cũng được thể hiện rõ tại Điều 53 là “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” hay nói thêm về chế độ kinh tế chính là “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” theo Điều 54…

Còn đối với quyền con người và quyền công dân, thì bên cạnh việc đưa lên vị trí Chương II sau Chương I về Chế độ chính trị để thể hiện sự tôn trọng thật sự thì chính Điều 15 nêu rõ “Ở Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; còn Điều 20 xác định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” mà trong đó nghĩa vụ thiêng liêng nhất chính là “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân” theo Điều 69… Thậm chí Dự thảo còn giữ nguyên một điều quan trọng là “Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam xem xét việc cho cư trú” theo Điều 52…

Tất cả những điều đó cũng như ý nghĩa bao hàm trong các chương và các điều khác của Hiến pháp đều tiếp tục khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Giữ nguyên và bổ sung thêm một số nội dung vào Điều 4 Hiến pháp năm 1992 như trong Dự thảo lần này là nguyện vọng tha thiết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chính việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện được Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam có hiệu lực pháp lý cao nhất cũng như việc phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh năm 2011 của Đảng là những đảm bảo cho nước Việt Nam thân yêu trở thành một nước XHCN phồn vinh, vững bước đi tới tương lai.
 

BÙI THANH LONG