Bản chất của Nhà nước ta trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

03:03, 14/03/2013

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là: Tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân tại Điều 2...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (2/9/1945)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (2/9/1945)

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là: Tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân tại Điều 2. Thật vậy, đất nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nói đến Nhà nước pháp quyền thì trước hết là Nhà nước hợp hiến, hợp pháp; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, trong đó các đạo luật chiếm ưu thế trong hệ thống pháp luật mà Hiến pháp là đạo luật quan trọng nhất, cơ bản nhất…

Trước tiên, trên cơ sở kế thừa Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Lời nói đầu lần này được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng đất nước; thể hiện mạnh mẽ hơn ý nguyện của nhân dân ta trong việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Cương lĩnh sửa đổi bổ sung năm 2011 là với thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám đất nước ta từ một xứ nô lệ của thực dân Pháp trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và gần 67 năm qua tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hơn nữa, chính Cương lĩnh năm 2011 đã bổ sung 2 đặc trưng mới trong đó có đặc trưng thứ hai là “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo” vào 6 đặc trưng của Cương lĩnh 1991 đã được xác định từ Đại hội X, thể hiện nhận thức đúng đắn và toàn diện của Đảng ta về vai trò rất quan trọng của Nhà nước trong đời sống xã hội. Gần đây, qua góp ý sửa đổi cũng đã có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên 2 ý trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, thứ nhất là : “Ngày 02/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH…” và thứ hai là “Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội thứ VI của Đảng đề xướng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng…” bởi vì có nêu như vậy thì mới nhận thức rõ rằng năm 1976 khi đất nước ta đổi tên thành Cộng hòa XHCN Việt Nam và bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH nhân dân ta đã thể hiện quyết tâm đi theo con đường XHCN. Bên cạnh đó, chính công cuộc đổi mới từ Đại hội VI của Đảng đã đem lại cho nhân dân biết bao nhiêu là thay đổi tạo ra những điều kiện để đất nước ta tiến lên CNXH một cách vững chắc hơn…
                     
Tiếp đó, Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về Chế độ chính trị tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của chế độ chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp năm 1992; đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn khi khẳng định chính thể của nước ta là Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tại Điều 1. Chính ngay trong chương này, đối với Nhà nước cũng như các hoạt động của Nhà nước thì bản chất luôn luôn được khẳng định là XHCN và điều đó được thể hiện trong các điều: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” tại Điều 2; “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…” tại Điều 5. Đồng thời, Dự thảo bổ sung và phát triển nguyên tắc "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" tại Điều 2. Đây là điểm rất mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và chính việc kiểm soát quyền lực là một trong những điều kiện cơ bản để đảm bảo bản chất pháp quyền XHCN của Nhà nước và cũng để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật cũng như chế ước lẫn nhau tránh việc lạm dụng quyền lực…

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm1992 còn khẳng định Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Ngoài ra, còn bổ sung quy định về nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân tại Điều 8. Về chính sách đối ngoại của nước ta cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; khẳng định nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế tại Điều 12.     
Và điều đáng nói là trong Dự thảo sửa đổi lần này, Hiến pháp tiếp tục khẳng định một chân lý tại Điều 4, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…” và chính nội dung của Điều 3 của Dự thảo: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”… là để thực hiện mục đích lý tưởng của Đảng…

Còn trong các Chương VI, VII, VIII và IX về Bộ máy Nhà nước thì bản chất XHCN thể hiện rõ ở Điều 91 về "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại; Điều 99 về “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”; Điều 107 về “Tòa án Nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện quyền tư pháp…” và Điều 115 “Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”… và tất cả các cơ quan của bộ máy Nhà nước cũng như cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước cần tập trung xây dựng nền hành chính quốc gia và chế độ công vụ ngày càng hoàn thiện để phục vụ nhân dân đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta…

Chính việc tiếp tục khẳng định bản chất XHCN của Nhà nước bao hàm trong các điều và các chương của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là những đảm bảo cho đất nước Việt Nam tiến vững chắc lên CNXH - con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn.

Bùi Thanh Long