Lâm Đồng: Tập trung phát huy dân chủ trong góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

02:03, 17/03/2013

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc là nơi mọi tầng lớp nhân dân bày tỏ, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, ý kiến xác đáng về góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – đây được coi là một sự kiện trọng đại của đất nước, vì thế được nhân dân cả nước rất quan tâm.

Thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38 của Quốc hội, Kế hoạch số 216 của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Kế hoạch số 317 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Kế hoạch số 07/KH – HĐND ngày 11/1/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đến nay cơ bản đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp trên tinh thần phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc là nơi mọi tầng lớp nhân dân bày tỏ, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, ý kiến xác đáng về góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – đây được coi là một sự kiện trọng đại của đất nước, vì thế được nhân dân cả nước rất quan tâm. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, Lâm Đồng tính đến thời điểm này đã triển khai được 28 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với thành phần tham gia là Ban Thường trực UBMTTQ các cấp, các vị uỷ viên UBMTTQ tỉnh và cấp huyện, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, nhân sỹ, trí thức và đại diện của giới doanh nhân… Cụ thể, MTTQ tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị với 134 đại biểu tham dự với 70 lượt ý kiến góp ý. Hệ thống MTTQ cấp huyện và các tổ chức thành viên đã triển khai lấy ý kiến đóng góp trong đoàn viên, hội viên và người tiêu biểu tại địa phương được 1.040 đại biểu tham gia và có 317 lượt ý kiến đóng góp tại 25 hội nghị triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Bà Hoàng Thị Khiêm – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: Nhìn chung, các ý kiến tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều ngắn gọn, rõ ràng, súc tích và dễ hiểu. Đông đảo cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều rất quan tâm đến đợt sinh hoạt chính trị pháp luật sâu rộng này, thể hiện thái độ ủng hộ chủ trương phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đã có rất nhiều người quan tâm, đầu tư nghiên cứu kỹ bản dự thảo và đưa ra ý kiến đóng góp có chất lượng trên tinh thần trách nhiệm cao.

Theo tổng hợp của cơ quan chức năng, đa số các ý kiến góp ý về nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện tương đối rõ quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Về chế độ chính trị: tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội mà đại diện cao nhất là Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Về chế định nhà nước: Khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và đặc biệt là Hiến pháp đã ghi rõ cách thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước (Điều 6); đó là thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (nội dung này trước đây chưa được ghi cụ thể trong Hiến pháp năm 1992). Dự thảo Hiến pháp đã quy định tương đối đầy đủ quyền con người, về bảo mật riêng tư cá nhân - Quy định rõ vấn đề bảo vệ môi trường, bảo hộ tác quyền… là những vấn đề hiện nay rất bức xúc trong đời sống xã hội, trong công tác quản lý nhà nước, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước. Khẳng định rõ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quy định các thành phần kinh tế có vai trò như nhau, không còn quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo; phù hợp với tình hình và xu thế phát triển chung trên thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Đã đưa phản biện xã hội vào Hiến pháp – đây là quy định quan trọng làm cơ sở pháp lý để MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nguyệt Thu