Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, BCHTW Đảng ra Chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc; trong đó nhấn mạnh: “Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”...
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, BCHTW Đảng ra Chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc; trong đó nhấn mạnh: “Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 11/6 – hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, suốt mấy chục năm trường kỳ giành độc lập tự do và xây dựng Nhà nước XHCN Việt Nam, phong trào thi đua yêu nước không ngừng phát triển, lan rộng trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt sau khi có Luật Thi đua, Khen thưởng (2003) và từ khi thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến”, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước đã có tiến bộ. Các địa phương triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đổi mới nội dung và hình thức tổ chức phong trào thi đua phong phú, đa dạng. Bên cạnh thi đua thường xuyên còn phát động các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, đột xuất. Nhìn chung phong trào thi đua được triển khai trên mọi lĩnh vực, hình thức thi đua phong phú và thiết thực hơn, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.
Thực tiễn thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy cần phát huy và nhân rộng các bài học kinh nghiệm sau:
Công tác thi đua khen thưởng phải được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức, vận động và phát huy tính tự giác của mọi tầng lớp nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua ngay từ cơ sở.
Các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị; phải có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nội dung thiết thực. Bên cạnh những phong trào thi đua lớn, cần có những phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt, thi đua trong những khu vực, đối tượng cụ thể để có thể tạo ra những phong trào rộng khắp, toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu.
Trong công tác thi đua, khen thưởng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực. Gắn chặt với việc tuyên truyền với nêu gương, giao lưu, trao đổi, học tập, nhân điển hình tiên tiến các tập thể, cá nhân trong các lĩnh vực của đời sống. Cần quan tâm củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ. Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định chất lượng công tác tham mưu và kết quả triển khai tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng, phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét thi đua, tạo mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng, để thi đua thực sự là động lực to lớn của cách mạng, là cơ sở để thực hiện công tác khen thưởng.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, cả nước cũng như Lâm Đồng đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua - khen thưởng với quan điểm: Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng đã được ghi trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước; thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy, thi đua phải được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Cấp uỷ, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng theo pháp luật. Mở rộng phân cấp trong công tác khen thưởng.
Một trong các giải pháp thiết thực đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới là phải chú trọng quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Từ đó, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng thói quen và ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật về thi đua, khen thưởng.
BÌNH NGUYÊN