Chủ tịch Hồ Chí Minh có khá nhiều bài viết và dành tình cảm lớn lao đối với thế hệ trẻ. Theo Người, thế hệ trẻ bao gồm thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong đó thanh niên là lực lượng quan trọng nhất...
Chủ tịch Hồ Chí Minh có khá nhiều bài viết và dành tình cảm lớn lao đối với thế hệ trẻ. Theo Người, thế hệ trẻ bao gồm thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong đó thanh niên là lực lượng quan trọng nhất. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược để đảm bảo những thắng lợi của cách mạng nước ta.
Thế hệ trẻ hôm nay học và làm theo lời Bác. Ảnh: Thanh Toàn |
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, vấn đề cốt lõi nhất là quan điểm giáo dục toàn diện, mà nội dung bao gồm: giáo dục chính trị; giáo dục đạo đức; giáo dục văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự; giáo dục lao động – nghề nghiệp; giáo dục sức khoẻ và thể chất; giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, pháp luật,v.v… Theo Hồ Chí Minh, giáo dục toàn diện phải coi trọng cả “đức” và “tài”, và mối quan hệ giữa hai mặt đó trong sự hoàn thiện nhân cách của con người mới. Người thanh niên có thể phát huy tiềm năng của mình và làm tròn sứ mệnh của mình đối với Tổ quốc. Đó là những con người “vừa hồng vừa chuyên”. Trong thư gửi cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá, ngày 31-8-1960, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá kỹ thuật, lao động và sản xuất”(2).
Trong mối quan hệ “đức - tài”, Hồ Chí Minh không tuyệt đối nghiêng về đức, nhưng Người coi đức là “cái gốc” của người cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới. Muốn làm việc đồng thời phải biết làm người tốt, do đó đức là cái gốc, nếu không có đức thì vô dụng và có hại. Theo Người, chính nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, hình thành năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.
Hồ Chí Minh có rất nhiều bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với dân, là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Đạo đức cách mạng là ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và khiêm tốn, giản dị. Đạo đức cách mạng cũng đồng thời là tin tưởng vào sự nghiệp của Đảng, trí tuệ của tập thể, của nhân dân và kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Trong 5 điểm dạy thanh niên, Hồ Chí Minh nhắc nhở thanh niên kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do vì nó là kẻ thù hung ác nhất của chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng”(3). Tại Đại hội lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”(4).
Khi nói đến vấn đề đạo đức của thanh niên, Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(5). Trong cuộc sống, Người căn dặn mỗi người thanh niên cần phải tự ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức từ việc lớn cho đến việc nhỏ, biết thương yêu gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ, người cao tuổi, nâng đỡ dìu dắt thiếu nhi, quý trọng và hiếu thảo với nhân dân. Bởi vì “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(6).
Cùng với việc tăng cường giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh quan tâm đến giáo dục nâng cao trình độ văn hoá, khoa học – kỹ thuật và nghề nghiệp cho thanh niên. Qua thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9-1945, Người gửi gắm vào thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(7).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức. Vận mệnh quốc gia, dân tộc đang được khẳng định bởi ý chí, nghị lực, bản lĩnh và hành động cụ thể của thế hệ trẻ hôm nay. Đại hội toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng nhấn mạnh: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(8).
Để thanh niên xứng tầm với sự phát triển của đất nước, thực sự là chủ nhân tương lai “vừa hồng vừa chuyên” của Tổ quốc, xứng đáng là đội hậu bị hùng hậu của Đảng, không chỉ riêng tổ chức Đoàn mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi người thanh niên cần phải ý thức được sứ mệnh của tuổi trẻ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện từ việc lớn đến việc nhỏ nhất trong cuộc sống, thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác giáo dục thanh niên. Tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, góp phần vào sự nghiệp trồng người như Bác Hồ mong mỏi.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, T.12, tr.498, 65.
(7) Sđd, T.4, tr.167, 33
(2) (4) Sđd, T.10, tr.488, 190, 306
(6) Sđd, T.5, tr.185, 252 - 253
(3) (5) Sđd, T.9, tr.283, 293
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XI, NXB CTQG, H.2011, tr.243
Khuất Minh Phương