(LĐ online) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 30/5/2013, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012...
(LĐ online) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 30/5/2013, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 (được phát thanh truyền hình trực tiếp).
Đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 |
Các ĐBQH đã tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đoàn Lâm Đồng, ĐBQH Vũ Công Tiến đã tham gia với các nội dung cụ thể như: Thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng đã đạt và vượt 11 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên trong quá trình quản lý, điều hành vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, cử tri có ý kiến, kiến nghị đó là: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định, chưa bền vững, nợ xấu tuy có giảm nhưng còn cao; hạ tầng giao thông xuống cấp, không đảm bảo; đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều yếu kém; công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập; trật tự an toàn xã hội còn nhiều bức xúc; cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, không giảm được biên chế hành chính mà còn tăng ở một số cơ quan, đơn vị, công tác phòng chống tham nhũng chưa được kiềm chế và đẩy lùi gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng có một số kiến nghị cụ thể như sau:
1. Về Chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp
- Chủ trương chúng ta đang tháo gỡ khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ về vay vốn, giảm lãi suất... Tuy nhiên, các doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn này do các quy định, thủ tục của ngành ngân hàng quá chặt chẽ như: phải có tài sản thế chấp, không có nợ quá hạn, nợ xấu… Đề nghị ngành ngân hàng rà soát lại các quy định, thủ tục của ngành để có tiếng nói chung cùng các doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này để phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
2. Về thực hiện các chương trình mục tiêu
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục thực hiện Quyết định số: 2406/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/12/2011 về Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 – 2015. Đối với Chương trình 135, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét để tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách và cân đối ngân sách để tiếp tục cho triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (2011-2015) nhằm để phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
- Đối với Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình đã được phê duyệt nhằm đạt được mục đích, yêu cầu và rút ngắn thời gian triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các chỉ tiêu sớm hơn tiến độ đã đề ra.
- Tiếp tục thực hiện chương trình dự án điện Tây Nguyên. Hiện nay, vẫn còn một số hộ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
- Về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đề nghị tăng mức vay theo Nghị quyết 02/NQ-CP cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách để đối ứng đầu tư giao thông nông thôn, vì Chương trình này đang thực hiện rộng khắp ở các địa phương, cơ sở, nhưng các địa phương không đủ vốn đối ứng theo hình thức “Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân làm công trình”.
3. Về giao thông
- Tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là tuyến đường nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, kết nối với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 65.365 tỷ đồng, chiều dài tuyến khoảng 198km. Đề nghị cho đầu tư theo hình thức PPP và tăng hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, giao cho 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai xúc tiến và quản lý đầu tư.
- Đối với QL 27 đoạn từ tỉnh Đắc Lắc đi Phi Nôm tỉnh Lâm Đồng, đây là con đường liên kết các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn có ý nghĩa chiến lược, nếu chờ đầu tư theo hình thức BOT thì khó kêu gọi đầu tư, không phù hợp. Đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư theo hình thức khác (BT) để sớm nâng cấp con đường này và giao cho tỉnh Lâm Đồng xúc tiến, quản lý đầu tư.
- Đề nghị Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương bố trí vốn cao hơn mức bình quân (hiện nay là 35% trên mức thu) vì hệ thống giao thông của địa phương xuống cấp, xuất đầu tư cao, nhu cầu cần duy tu bảo dưỡng lớn.
- Về hàng không: Đề nghị cho đầu tư nâng cấp Sân bay Liên Khương thành sân bay Quốc tế, mở tuyến đến Singapore, Siêm Riệp Campuchia; cho phép mở tuyến nội địa đến các tỉnh Cần Thơ, Vinh.
4. Về thuỷ lợi
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bố trí vốn hoặc cho ứng vốn trước để triển khai xây dựng hồ Đạ Lây huyện Đạ Tẻh (Quyết định đầu tư từ năm 2009) và bố trí vốn khởi công xây dựng hồ Đạ Sị huyện Cát Tiên, đây là các công trình phục vụ cho sản xuất và an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho hàng trăm hộ dân ở hai huyện khó khăn của Lâm Đồng, không nên vì cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ mà ngưng đầu tư là không hợp lý.
Bố trí vốn hoặc ứng vốn năm 2014 để đầu tư dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) để cung cấp nước sản xuất cho 700 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 6.500 hộ dân vùng kinh tế mới, kết hợp cải tạo môi trường, du lịch, sinh thái. Mức đầu tư khoảng 210 tỷ đồng.
Bùi Gia Quân