Nhân Kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2013), chúng ta cùng ôn lại một sự kiện đặc biệt quan trọng là Người được UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1987.
Nhân Kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2013), chúng ta cùng ôn lại một sự kiện đặc biệt quan trọng là Người được UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1987.
Trong quá trình chuẩn bị tài liệu, hiện vật trưng bày về Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận thấy bản dịch tiếng Việt đã in trong một số sách, báo, tài liệu, website… có những câu chữ rất khác nhau có thể là do cách dịch ra tiếng Việt từ các văn bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Đơn cử như Đại hội đồng được dịch là Phiên họp toàn thể; Nhìn lại được dịch là nhắc lại; Nhà văn hoá kiệt xuất được dịch là Nhà văn hoá lớn; Biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc được dịch là Biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc; Yêu cầu được dịch là Đề nghị…
Để có một văn bản tiếng Việt chuẩn đưa ra giới thiệu cùng công chúng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam giúp thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Năm 2009, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được văn bản gốc của Nghị quyết quan trọng này. Đó là bản in tiếng Pháp của “Tập biên bản của Đại hội đồng khoá họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 20 tháng 11 năm l987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT”. Đây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO, khoá họp lần thứ 24 tại thủ đô Paris nước Cộng hoà Pháp, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (Pháp, Anh, Ả rập, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nga), được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO tại Paris vào năm 1988. Tập nghị quyết này có kích thước khổ giấy A4, bìa màu xanh lá cây hơi đậm, dày 220 trang. Ngoài trang mở đầu và mục lục, tập nghị quyết này bao gồm 13 mục và phần phụ lục.
Theo bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam vào tháng 7 năm 2009 thì nội dung văn bản này bao gồm mục A là Các chương trình hành động lớn trong Chương trình hành động giai đoạn 1988-1989 và mục B là Các hoạt động tổng thể của chương trình với các nghị quyết về tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử trong đó có Nghị quyết 24C/18.65 về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trang 144.
Đây chính là một văn kiện quan trọng của UNESCO, ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam vì chính Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Chính Người đã tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc và xây dựng các nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc như Đảng Cộng sản Việt Nam; khối đại đoàn kết dân tộc; lực lượng vũ trang nhân dân. Người đã lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chính Người đã chủ trương xây dựng xã hội mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân; xây dựng nền dân chủ mới; phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Chính Người đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội vì Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và xây dựng tình hữu nghị và hợp tác, đoàn kết chiến đấu với các dân tộc. Người còn chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc với phong trào cách mạng vô sản ở các nước chính quốc; khẳng định sự tất thắng và tính tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc cũng như thắng lợi của cách mạng Việt Nam góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là nhà văn hoá kiệt xuất vì Người không chỉ có một sự nghiệp chính trị phi thường, mà còn có một sự nghiệp văn hoá cao cả. Đó là cả một sự nghiệp văn hoá đồ sộ mà Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại mà cụ thể là đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước, đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam, đặt cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới... chưa từng có trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Người đã phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân, đưa văn hoá đi sâu vào quần chúng, biến đổi phong hoá, cải tạo con người, xây dựng xã hội nhân cách - đạo đức ấy được tạo dựng trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, theo nhân cách luận của người chiến sĩ cách mạng kiểu mới: Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Người đã tham gia hoạt động và sáng tạo văn hoá như tiếp thu tinh hoa văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại để vận dụng, phát triển và sáng tạo…
Tất cả những nhân tố trên đã hun đúc con người Hồ Chí Minh xứng đáng với danh hiệu cao quý của thế giới trao tặng là “Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” và đây cũng chính là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả bầu bạn trên thế giới.
BÙI THANH LONG