65 năm vẫn vang lời Bác gọi (Tiếp theo)

03:05, 30/05/2013

Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua XHCN vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng...

[links()]

II. Tư tưởng của Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đổi mới đất nước

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua XHCN vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Coi tổ chức thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, biến thành sức mạnh, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", "công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua". Thi đua phải được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, rộng khắp. Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải tuyên truyền, giải thích, động viên cho mọi người tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua với kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng; đồng thời, phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua. Khéo léo đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, sát đúng với tình hình, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động quần chúng, đi đầu làm gương cho mọi người. Tích cực phát hiện điển hình, phổ biến những kinh nghiệm, nêu gương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua.

Phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương "người tốt, việc tốt". Đảng lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước: "Lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình".

2. Quan điểm của Đảng ta về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đổi mới đất nước

Từ nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, công tác thi đua, khen thưởng đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Từ thực tế đó, ngày 3/6/1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW "về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới" khẳng định: "Chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cách mạng Việt Nam trong mấy chục năm qua gắn liền với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ái quốc trên phạm vi cả nước"; Chỉ thị yêu cầu tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, coi "Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày".

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị (khoá IX) ban hành Chỉ thị 39-CT/TW "về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến". Chỉ thị yêu cầu "các cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua". Các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, địa phương; có mục tiêu, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực. Đổi mới nội dung và hình thức thi đua khen thưởng, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Khen thưởng phải đảm bảo chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Tiếp đó, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị yêu cầu: gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước.

(Còn nữa)