(LĐ online) - Đây là một trong những nội dung của các điều luật đã nhận được sự tán thành cao của đại biểu có mặt tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, do Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức tại Đà Lạt vào ngày 10/5.
(LĐ online) - Đây là một trong những nội dung của các điều luật đã nhận được sự tán thành cao của đại biểu có mặt tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, do Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức tại Đà Lạt vào ngày 10/5. Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng các thành viên trong tổ Tư vấn pháp luật Đoàn.
Toàn cảnh hội thảo góp ý cho Luật Cư trú sửa đổi |
Từ thực tiễn 5 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, một số quy định của bộ luật này cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, đồng thời cũng là để tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú. Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú lần này có sửa đổi, bổ sung một số Điều theo hướng nghiêm cấm các hành vi giả tạo điều kiện như ký hợp đồng không xác định thời hạn với cá nhân chỉ với mục đích để người này đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương mà thực tế lại không làm việc tại doanh nghiệp đó, hoặc giả tạo kết hôn để đăng ký thường trú. Luật cũng cấm việc cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu còn đánh giá cao một số điều luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng thông thoáng, có lợi cho công dân, như Điều 30, 31 của bộ luật về đăng ký tạm trú qua mạng internet hoặc bằng điện thoại. Tuy nhiên, về tổng thể nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú vẫn còn có ý kiến khác cho rằng cần phải giải thích, làm rõ thêm một số trường hợp, từ ngữ như “chỗ ở hợp pháp”, “hành vi trục lợi”, hoặc địa chỉ tạm trú và thường trú có cần phải trùng nhau hay không.
Thụy Trang