(LĐ online) - Sáng 24/5, Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013.
(LĐ online) - Sáng 24/5, Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Tham dự buổi làm việc về phía địa phương có đồng chí Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan…
Thứ trưởng Lê Dương Quang phát biểu tại buổi làm việc |
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn được các ngành, đơn vị và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và phương án đối phó với lũ bão; tổ chức tốt việc huy động và cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân; đặc biệt ngành điện lực đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện trong quá trình vận hành đóng, xã lũ. Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua tình hình khí hậu diễn ra bất thường nên đã gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống lụt bão ở Lâm Đồng. Theo đó, trong năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh thiên tai đã làm 6 người chết, 5 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trên 33 tỷ đồng; riêng trong 5 tháng đầu năm 2013, lốc xoáy làm thiệt hại tài sản và hoa màu của nhân dân gần 7 tỷ đồng.
Sau khi nghe các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó đã hạn chế được hậu quả do lụt bão gây tại Lâm Đồng. Trước diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường, Thứ trưởng Bộ Công thương lưu ý, thời gian tới, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cần xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể để làm tốt công tác tham mưu. Đối với các ngành và địa phương phải xây dựng phương án phòng chống; đặc biệt phải xác định được các khu vực trọng điểm, xung yếu để đối phó theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường quản lý với các công trình, hồ đập thủy điện trên địa bàn. Các ngành công thương, điện lực chủ động phối hợp với các địa phương và các ngành, đồng thời chú trọng đến nguồn nhân lực, vật lực để có phương án khắc phục và đảm bảo tốt nguồn điện khi có tình huống xấu xẩy ra trong mưa bão.
Hồng Hải