Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên

03:05, 16/05/2013

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, người yêu cầu phải luôn xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức là văn minh...

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, người yêu cầu phải luôn xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức là văn minh. Người thường nói: Trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất và thiếu một đức thì không thành người. Do đó, Người thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, do đó mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Những từ phải trên đây đủ thấy được đạo đức quan trọng như thế nào đối với mỗi người cán bộ.

Đạo đức là một danh từ ghép, gốc từ chữ Hán. Đạo theo nghĩa đen là đường đi, theo nghĩa bóng là lẽ phải trong cuộc sống con người cần phải theo. Đức là điều tốt lành, là lẽ phải lòng người, thành cái tâm của con người. Trong một góc độ nào đó đạo đức được biểu hiện qua lối sống những chuẩn mực được hình thành từ dư luận xã hội như: khen - chê, trọng - kính, đối với mọi hành vi của con người trong mối quan hệ với những người xung quanh và với cộng đồng đều được hiểu là đạo đức. Những chuẩn mực trên sẽ tác động đến mỗi con người, buộc họ phải điều chỉnh hành vi, suy nghĩ lựa chọn để sống sao cho được xã hội nể trọng. Vì thế, đối với bản thân mỗi người, việc tu dưỡng về đạo đức, lối sống của bản thân mình thì chỉ có lương tâm của mình mới biết rõ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói rằng: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (HCM toàn tập T9,Tr293), theo Người muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì phải thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phải nắm chắc nguyên tắc “xây đi đôi với chống”. Phải xây dựng nâng cao đạo đức cách mạng đi đôi với đấu tranh ngăn chặn, đi đến trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Muốn “xây” thì phải “chống”, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát với thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. (HCM toàn tập. Tập 12,Tr439). Bác Hồ của chúng ta luôn chủ trương là nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức là một nguyên tắc bảo đảm phát triển đạo đức cách mạng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nói chung các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ là một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (HCM toàn tập. Tập 1,Tr263). Người chủ trương lấy những gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một phương thức tốt nhất để thúc đẩy việc nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.

Những tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ về xây dựng đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên như trên thiết nghĩ rất cần thiết cho mỗi đảng viên vận dụng thực hiện NQTW4 (Khoá XI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Đại tá Dương Công Hiệp
Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh