Vừa qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nhân dịp này, Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh...
LTS: Lâm Đồng là tỉnh có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 24%. Do vậy, nền văn hóa Lâm Đồng được hình thành từ bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa gốc Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác như Tày, Nùng, Thái... đến định cư. Chính sự đan xen, hòa quyện giữa các yếu tố văn hóa đã tạo nên cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc. Vừa qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nhân dịp này, Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh xung quanh vấn đề địa phương đã làm gì để “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”?
PV: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), xin Bí thư Tỉnh ủy nhận xét về kết quả “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ở Lâm Đồng?
Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nguyên (tháng 6/2013). Ảnh: VB |
Bí thư Tỉnh ủy: Có thể khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở Lâm Đồng đã đạt những kết quả bước đầu rất khả quan, đặt nền móng bền vững cho sự phát triển của những năm sau.
Trước hết, đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và các văn bản liên quan, đã được Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc, chu đáo, chặt chẽ. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới tại địa phương. Các chương trình, chính sách về văn hóa của Trung ương và địa phương được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, khẳng định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, các dịch vụ văn hóa và hoạt động văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh.
Qua 15 năm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa trong tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ nét, mức hưởng thụ văn hóa tăng, người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và hiện đại; không còn “điểm trắng” về văn hóa. Việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội” cũng mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục tình trạng thủ tục rườm rà, hủ tục lạc hậu gây lãng phí hoặc các hiện tượng mê tín dị đoan. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội ngày càng được chú trọng, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú và hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhiệm vụ chính trị - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Vấn đề nhận thức, đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội; thu hẹp dần khoảng cách trong đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị.
PV: Vừa rồi, Bí thư Tỉnh ủy rất tâm đắc khi đề cập tới kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, vậy đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về kết quả phong trào này?
Bí thư Tỉnh ủy: Phát huy những kết quả đạt được của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do MTTQVN các cấp triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tỉnh đã kịp thời kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo và bổ sung, ban hành các văn bản phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5. Những nội dung cốt lõi của phong trào như: xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa... thực sự đã trở thành các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và phát triển sâu rộng đến các thôn, buôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, gia đình, cá nhân.
Tôi xin điểm qua một số phong trào: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được chú trọng, nhất là sau khi có Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX. Năm 2001, toàn tỉnh chỉ có 59.508 hộ đạt gia đình văn hóa, đến năm 2012 có 232.053 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 72,7%); toàn tỉnh có 806 Câu lạc bộ Gia đình văn hoá, hàng năm nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cấp cơ sở đã tổ chức biểu dương khen thưởng các gia đình văn hóa... Phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa được triển khai sâu rộng; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các thôn, khu phố xây dựng quy ước, hương ước được chú trọng và điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Năm 2001, mới có 24 tổ dân phố, thôn, buôn đạt tiêu chuẩn văn hóa nhưng đến năm 2012 đã có 1.256/1.564 tổ dân phố, thôn, buôn đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 80,3%)... Phong trào xây dựng cơ quan văn hóa được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua thiết thực không chỉ trong các cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang mà cả trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nội dung “Công sở văn hóa” được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc; gương mẫu xây dựng cơ quan xanh, sạch, đẹp.... Đến năm 2012, toàn tỉnh có 1.250/1.628 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn cơ quan, đơn vị văn hóa (chiếm tỷ lệ 80,3%)... Về phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa: Năm 2008 mới phát động đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, từng năm số đơn vị đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng và đến năm 2012 có 35 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa (chiếm 23,6%).
Một vấn đề tôi muốn đề cập nữa là: Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được tỉnh chú trọng và đã góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch văn minh, lịch sự, am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương nhằm phục vụ tốt du khách. Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, tôn tạo, tu bổ các danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chú trọng bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa, nhất là sản phẩm văn hóa các dân tộc bản địa gắn với du lịch, khai thác khá tốt tiềm năng, thế mạnh vốn có của Lâm Đồng.
PV: Bí thư Tỉnh ủy có thể cho biết một số bài học kinh nghiệm của Lâm Đồng qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)?
Bí thư Tỉnh ủy: Tuy còn một số hạn chế nhưng qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể phải nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để đề ra mục tiêu, phương hướng, biện pháp cụ thể. Phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Bên cạnh tập trung xây dựng những giá trị trong văn hóa Việt Nam đương đại, cần đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trên nền tảng tiếp nhận có chọn lọc các tinh hoa văn hóa thế giới.
Gắn xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với phong trào nêu gương người tốt, việt tốt, mỗi cán bộ, công chức phải là tấm gương tiêu biểu về ứng xử văn hóa trong cuộc sống và công tác. Trong việc chống và xây dựng văn hóa phải xem chống là cần thiết và xây là cốt lõi.
Tạo môi trường thuận lợi, định hướng chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu văn hóa – thể thao; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ và gắn với công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên đối với hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Và bài học quan trọng nữa là phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh, quốc phòng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt phải gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Thanh Đạm |
PV: Thưa đồng chí, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sắp tới chúng ta cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm nào?
Bí thư Tỉnh ủy: Trước hết, chúng ta tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Kết luận Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương khóa IX “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trên cơ sở đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần xã hội; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nói riêng, đi đôi với việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát triển văn hóa các vùng miền, coi trọng giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc gốc Tây Nguyên. Quan tâm nâng cao đời sống văn hóa các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiệm vụ trọng tâm về quản lý và tổ chức lễ hội được xác định: từng bước xã hội hóa lễ hội phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế địa phương và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, nhất là dân tộc bản địa; phát huy vai trò tự chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên các địa bàn dân cư.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa, phát triển các phong trào văn nghệ, TDTT quần chúng, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Tham mưu, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm huy động toàn xã hội tham gia công tác xây dựng và phát triển văn hóa!
PV: Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy về cuộc trao đổi trên!
HỒ LAN (thực hiện)