Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh về kết quả 65 năm hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 11/6/1948, Hồ Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh và truyền thống yêu nước quý báu ngàn đời của dân tộc, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, 65 năm qua, các phong trào thi đua diễn ra rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, thực sự trở thành cội nguồn của mọi thắng lợi.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh về kết quả 65 năm hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước (nói chung), Lâm Đồng (nói riêng).
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh |
PV: Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khái quát những kết quả hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc kiến thiết nước nhà sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”, các phong trào thi đua đã được tổ chức và diễn ra rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, trong mọi lĩnh vực; đã thu hút được hàng triệu người hăng hái tham gia. Ngoài mặt trận, các cán bộ, chiến sĩ của ta thi đua giết giặc lập công; ở vùng tự do và vùng địch hậu, nhân dân thi đua sản xuất tăng gia và thực hành tiết kiệm, không quản ngại khó khăn gian khổ, đưa đất nước vượt qua thời điểm đầy gian nguy, bảo vệ được chính quyền Cách mạng non trẻ, đưa kháng chiến tới thắng lợi.
Tiếp nối trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng loạt các phong trào lớn như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Hai tốt”, “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”…và các khẩu hiệu thi đua như “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”… đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Trên chiến trường miền Nam, với quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng chiến đấu không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong đó có cả những người con anh dũng của mảnh đất Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên như: Liệt sỹ Lê Thị Pha, Trần Văn Côi và nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ khác… góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975, đưa giang sơn thu về một mối.
Sau khi đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thực hiện công cuộc đổi mới, các phong trào thi đua tiếp tục được duy trì, phát triển ngày càng sâu rộng và thu được kết quả có ý nghĩa thiết thực, nổi bật như các phong trào: “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Nông dân sản xuất giỏi”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Trồng cây gây rừng”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,…
Đặc biệt, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua yêu nước được quan tâm, đẩy mạnh với các phong trào như: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…; phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Điều đó cho thấy vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn của công tác thi đua, khen thưởng.
PV: Cũng như cả nước, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Lâm Đồng sau ngày thống nhất đất nước đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước và gặt hái được nhiều thắng lợi. Vậy đồng chí cho biết những thắng lợi đó là gì?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đã đoàn kết, chung sức chung lòng, cùng cả nước thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro, nhanh chóng ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng Đảng bộ và củng cố bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; từng bước đưa tỉnh nhà vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới theo đường lối của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư tưởng về công tác thi đua - khen thưởng, tạo nên phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Qua đó, phong trào thi đua yêu nước trở thành động lực và là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, góp phần đưa Lâm Đồng vượt qua khó khăn, thoát khỏi tình trạng chậm phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm giai đoạn 2006 - 2012 đạt 14-15%; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; lòng tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố… Đó là cơ sở để Lâm Đồng thoát khỏi nhóm các địa phương chậm phát triển, trở thành tỉnh phát triển năng động của khu vực Tây Nguyên.
PV: Để thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt kết quả cao hơn, trong thời gian tới, Lâm Đồng cần tập trung vào những vấn đề quan trọng nào, thưa đồng chí?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt, bám sát các nội dung và yêu cầu của công tác thi đua - khen thưởng hiện nay để có sự chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; gắn phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, cần phải tiếp tục quan tâm đổi mới cả về nội dung và hình thức để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, hình thức thi đua phải đa dạng, phong phú và sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, lấy cơ sở là nơi chủ lực trong phong trào thi đua yêu nước; phát huy tinh thần tự giác, làm sao để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân chính là những người tổ chức và thực hiện phong trào thi đua. Nội dung thi đua vừa phải gắn với phong trào thi đua chung của cả nước, vừa tập trung vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương; trọng tâm là: phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; tập trung tổ chức thực hiện thắng lợi 5 khâu đột phá và các phong trào: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức trong sáng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân;… góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI).
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn! Tin tưởng phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển!
HOÀNG VƯƠNG MỸ (Thực hiện)