Đưa thi đua - khen thưởng đến với cơ sở

03:06, 23/06/2013

Lâm Đồng đang kiến nghị với Trung ương nghiên cứu đưa ra các qui định mới nhằm đảm bảo công tác thi đua khen thưởng đến với đại bộ phận người dân ở cơ sở.

Lâm Đồng đang kiến nghị với Trung ương nghiên cứu đưa ra các qui định mới nhằm đảm bảo công tác thi đua khen thưởng đến với đại bộ phận người dân ở cơ sở.

Gặp mặt, tọa đàm các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2013
Gặp mặt, tọa đàm các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2013


Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, qua nhiều năm thực hiện pháp luật về thi đua khen thưởng, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và người dân về phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh đã từng bước khắc phục được tính hình thức trong thi đua và bình xét khen thưởng; việc thực hiện pháp chế về thi đua khen thưởng đã được tuân thủ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua phong trào đã có không ít các nhân tố điển hình được phổ biến, nhân rộng; công tác khen thưởng đã có tác động trở lại thúc đẩy phong trào thi đua. Điển hình nhất là Lâm Đồng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, được Chính phủ tặng 5 Cờ thi đua, Công an Lâm Đồng được tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, như nhiều đại biểu tại Hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng” được tỉnh tổ chức gần đây cho biết, vẫn còn không ít những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về thi đua khen thưởng cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, việc phát động, triển khai thi đua trong nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay vẫn còn nặng hình thức, làm cho có, chỉ chú ý đến các biện pháp hành chính, mệnh lệnh đơn thuần. Nói như một đại biểu tại hội thảo là cách làm “áp đặt từ trên xuống” này không tạo được tinh thần tự giác, đoàn kết cùng thi đua với nhau; chưa động viên, khuyến khích được mọi người tham gia một cách tự nguyện. Chính vì vậy, nhiều lúc nhiều nơi phong trào thi đua vẫn chưa trở thành một động lực thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Cùng đó, công tác khen thưởng vẫn chưa bám sát phong trào thi đua. Khen thưởng hiện nay vẫn chưa bao quát được mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế trong xã hội và điều này dẫn đến việc thiếu công bằng. Nhiều tiêu chuẩn khen thưởng có nội dung chưa phù hợp với tính chất phong trào thi đua của từng ngành, từng địa phương trong giai đoạn hiện nay; việc bình bầu khen thưởng còn hình thức, đối tượng được khen thưởng ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên do chính dẫn đến bất cập trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng hiện nay chưa đồng bộ, “vừa thừa vừa thiếu”. Nhiều văn bản có nội dung không thống nhất với nhau; nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí khó áp dụng trong thực tiễn; thủ tục còn rườm rà đã hạn chế việc động viên giáo dục nêu gương kịp thời. Tiêu biểu nhất là việc đăng ký thi đua. Theo quy định, mọi cá nhân hay tập thể khi tham gia phong trào thi đua đều phải đăng ký thi đua, không đăng ký sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua. Cách làm này như nhiều ý kiến phản ánh chỉ phù hợp với các cá nhân, tập thể đang làm việc trong các cơ quan hoặc doanh nghiệp nhà nước, không phù hợp và không áp dụng được với các đối tượng là người lao động ở các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh, các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, hội viên thuộc các tổ chức hội ở cơ sở. Trong thực tế có nhiều đối tượng tự nguyện phấn đấu đạt được thành tích rất tốt trong công việc mình làm cho sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ tổ quốc nhưng vì chưa đăng ký tham gia thi đua vì nhiều lý do nên khi xét những tập thể, cá nhân này lại không hội đủ các điều kiện về tiêu chuẩn, tiêu chí theo Nghị định của Chính phủ nên không được khen thưởng.

Theo bà Võ Thị Khiết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh: “Khen thưởng không nhất thiết tất cả đều phải dựa vào tiêu chuẩn, danh hiệu thi đua mà thành tích đến đâu nên khen thưởng đến đó. Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì càng được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; nên chú ý đến việc khen thưởng các tập thể nhỏ và những cá nhân trực tiếp”.

Từ thực tiễn, Lâm Đồng đã đề nghị trung ương nên bổ sung sửa đổi một số những qui định về thi đua khen thưởng, nghiên cứu và đưa ra các hình thức khen thưởng áp dụng tại cấp cơ sở; xem xét việc phân cấp một số công nhận danh hiệu thi đua cùng hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền cấp huyện và các sở, ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh cho cơ sở, đảm bảo công tác khen thưởng đến với đại bộ phận tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức viên chức và người lao động trực tiếp; cán bộ thôn làng, tổ dân phố, nông dân và công nhân các thành phần kinh tế trên địa bàn cấp xã.

Tỉnh trong dịp này cũng đề nghị Trung ương bổ sung các ban chuyên trách thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh vào đối tượng xét tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; bổ sung các chức danh Phó Trưởng ban các ban Đảng Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở, Phó trưởng các đoàn thể cấp tỉnh, Chi Cục trưởng vào đối tượng xét khen thưởng thành tích có quá trình cống hiến lâu dài cho các cơ quan, đơn vị của mình.

GIA KHÁNH