Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặc đói, diệt giặc dốt...
III. Phong trào thi đua yêu nước qua các giai đoạn cách mạng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặc đói, diệt giặc dốt... Khẩu hiệu "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương" và "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua"...
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về "Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước" (26/1/1961), hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức, điển hình là các phong trào: Thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình); phong trào thi đua của Nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng; phong trào thi đua "Hai tốt" (Dạy tốt, học tốt" theo tấm gương điển hình của Trường phổ thông cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam)...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc: đẩy mạnh phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai". Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cả nước dấy lên phong trào thi đua: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tay búa, tay súng"; phong trào "Ba sẵn sàng", "5 xung phong" trong thanh niên, "Ba đảm đang" trong phụ nữ...
Cùng với các phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở miền Nam các phong trào thi đua "Bám đất giữ làng"; "Một tấc không đi, một ly không dời"; phong trào "Giết giặc lập công" cũng đã phát triển rộng khắp.
Trong thời kỳ đất nước thống nhất, tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước:
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: "Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân"; "Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, khẩu hiệu thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là "Tất cả vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả, như: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế", "Xoá đói, giảm nghèo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Vì an ninh của Tổ quốc", "Thi đua quyết thắng".