Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thi đua yêu nước

04:06, 04/06/2013

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước phải là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân lao động, có nghĩa là phải huy động tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia...

Cách đây 64 năm, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà trước hết là giải quyết những nhiệm vụ cấp bách khi đó là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. Ảnh: nhandan.com.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. Ảnh: nhandan.com.vn


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước phải là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân lao động, có nghĩa là phải huy động tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Người viết: "… Sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước". Suy rộng ra, thi đua yêu nước là tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, tăng cường sức mạnh tinh thần, chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất nhằm giải quyết những khó khăn trước một bước ngoặt hay sự chuyển đổi giai đoạn của cách mạng.

Tính quần chúng trong thi đua được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn; đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua mở mang sản xuất; đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội, dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng… Nói tóm lại, ai cũng thi đua", “Người người thi đua; ngành ngành thi đua".

Ngày 1/8/1949, Người lại tiếp tục ra "Lời kêu gọi phát động thi đua ái quốc". Sau khi thăm hỏi sức khỏe của mọi người, Người nói: "Hôm nay là ngày phát động thi đua ái quốc tiếp theo kỳ trước, cho nên tôi chỉ cần nói chuyện thi đua. Ta bắt đầu thi đua từ tháng 6 năm ngoái. Cuộc thi đua nhằm ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Mặc dù thiếu phương tiện, thiếu kinh nghiệm và bị giặc Pháp tìm mọi cách để phá hoại, ta vẫn thu được nhiều kết quả tốt sau một năm thi đua". Điều đáng chú ý nhất trong lần kêu gọi thi đua lần này là Bác đã nêu ra những vấn đề thi đua rất thiết thực, cụ thể như: "Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sỹ... Các cháu thanh thiếu niên thì thi đua tòng quân. Cán bộ trong cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp đỡ mọi công việc...".

Đặc biệt, Bác chỉ rõ rằng, thi đua không thể là nhất thời mà phải trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; hoặc không đúc rút, trao đổi kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Bác Hồ khẳng định: "Thi đua là phải toàn dân, toàn diện. Trong các cuộc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...".

Tháng 5/1952, Bác lại tiếp tục khẳng định: "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất"...

Điều quan trọng nhất trong thi đua yêu nước là phải xác định được nội dung của phong trào thi đua. Phong trào càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt càng cao.  Đó là cơ sở để làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia, vừa có chiều sâu, vừa có chiều rộng, vừa có sức hút, vừa có khả năng lan tỏa, cần có phương pháp, khẩu hiệu thiết thực, rõ ràng, định hướng cho phong trào thi đua kiên quyết chống bệnh hình thức, nghĩa là nói cho hay chứ không làm hoặc không làm được đồng thời gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời. Theo Bác Hồ, nếu không gắn được nhiệm vụ chung với công việc hàng ngày thì chỉ là "đánh trống bỏ dùi", "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc "đầu voi đuôi chuột".

Từ sau Cách mạng thánh Tám (1945) đến nay, trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng đã có biết bao phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực như: Hũ gạo cứu đói (1945); Đời sống mới (1947); Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; Thi đua cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất (1961); Vững tay cày, chắc tay súng (1961); Thi đua sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ (từ năm 1957); Thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật (từ năm 1961); Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt (1964), Phụ nữ 5 năm tốt (từ năm 1964); Phụ nữ ba đảm đang (từ năm 1965)… Từ các phong trào thi đua yêu nước đó đã xuất hiện nhiều tập thể anh hùng, các cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những điển hình xuất sắc là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước.

Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, thi đua yêu nước cũng hết sức cần thiết. Bởi hơn 60 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, đời sống xã hội không ngừng phát triển. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực, ăn sâu, lan rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước hôm nay.

(Theo Hội đồng TĐ-KT Trung ương)