Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua

04:06, 05/06/2013

Hiện nay, cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang đẩy mạnh phong trào thi đua trên các lĩnh vực nhằm thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013).

Hiện nay, cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang đẩy mạnh phong trào thi đua trên các lĩnh vực nhằm thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng, nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng: Coi tổ chức thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân, biến thành sức mạnh, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Bác Hồ, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng. Các cấp ủy Đảng cần chú trọng quán triệt, làm chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. “Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở” (Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị), “cơ quan chính quyền nhà nước, MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, báo cáo kịp thời đầy đủ và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức Đảng kết quả tổ chức các phong trào thi đua yêu nước” (Kết luận số 83-KL/TW ngày 30/8/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

Bên cạnh đó cần đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Mỗi phong trào phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua… Phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những mặt hạn chế, yếu kém, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng ngành, từng địa phương, đơn vị…

Thực tế cho thấy một trong những bài học hết sức quan trọng là công tác thi đua phải được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức, vận động và phát huy tính tự giác của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua ngay từ cơ sở. Đồng thời phải thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, coi đây như giải pháp trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua.

BÌNH NGUYÊN