Chú trọng vấn đề văn hóa, xã hội trong xây dựng nông thôn mới

03:07, 31/07/2013

Theo đó, ngành văn hóa cần tham mưu tổ chức hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng một số mô hình thôn đạt chuẩn văn hóa làm hình mẫu.

Đến nay, Lâm Đồng có 106/114 xã có quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, 8 xã còn lại đang trình thẩm định phê duyệt. Trong đó 41 xã giai đoạn 2011 - 2015 có quy hoạch chung được cấp thẩm quyền phê duyệt, 99/114 xã phê duyệt đề án nông thôn mới cấp xã…

Về kết quả thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 11 xã đạt trên 15 tiêu chí (xã Xuân Trường và Tân Hội cơ bản đạt 19 tiêu chí) và dự kiến cuối năm 2013 có 5 xã đạt 19 tiêu chí, 32 xã đạt từ 10 - 15, 71 xã đạt 5 - dưới 10, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân mà các địa phương còn chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh: Thời gian qua, trên lĩnh vực giáo dục: công tác bồi dưỡng giáo viên tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao trình độ chuyên môn. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao hơn so với mặt bằng toàn quốc; trong đó cấp mầm non đạt chuẩn 94,2%, tiểu học 99,5%, trung học cơ sở 99,8%, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được củng cố vững chắc; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở tiếp tục được học trung học phổ thông hoặc học nghề đạt trên 90%.

Trong năm 2013, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng mới 12 trạm y tế, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất cho 12 trạm y tế với tổng kinh phí 36 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tỷ lệ dân số bình quân tham gia bảo hiểm y tế đạt 61%. Về văn hóa, toàn tỉnh có 668 thôn đạt chuẩn văn hóa, chiếm 65% tổng số thôn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ở nông thôn phù hợp các tầng lớp, lứa tuổi, từng bước đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các giá trị di sản văn hóa dân tộc được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hóa ngày càng phát triển phong phú, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.

Điều đáng lưu ý là công tác bảo vệ môi trường nông thôn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên 77%; nhiều nghĩa trang được chỉnh trang theo quy hoạch, đạt tiêu chí nông thôn mới. Các cơ sở sản xuất kinh doanh từng bước xây dựng đạt tiêu chuẩn về xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh cộng đồng dân cư.

Để việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt thiết thực và phát triển bền vững, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa. Theo đó, ngành văn hóa cần tham mưu tổ chức hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng một số mô hình thôn đạt chuẩn văn hóa làm hình mẫu. UBMTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi, tìm hiểu mô hình vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Các ngành chủ động hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đặc biệt là tập trung đôn đốc các địa phương làm chậm và nghiên cứu phổ biến kinh nghiệm của các địa phương làm tốt, những mô hình hay, những gương điển hình tiên tiến để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn tỉnh.

BÌNH NGUYÊN